Phát triển giao thông ở huyện Ðiện Biên Ðông

Khó khăn do vướng đất rừng

09:31 - Thứ Năm, 07/03/2019 Lượt xem: 9836 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc làm đường giao thông trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông gặp không ít khó khăn, do một số tuyến đường thi công vướng vào diện tích đất rừng đã được quy hoạch. Ðiều đó khiến tiến độ thi công một số dự án đường giao thông trên địa bàn kéo dài, chính quyền và người dân thì chỉ biết ngày đêm mong ngóng con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Chỉ huy công trường (Công ty TNHH Lê Minh Quang 959) chỉ cho phóng viên về diện tích đất rừng mà tuyến đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh sẽ vướng phải khi thi công.

Với mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo hệ thống giao thông liên hoàn trong khu vực; đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản cho người dân địa phương, Dự án Ðầu tư xây dựng công trình đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) được khởi công từ tháng 4/2018. Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài gần 8km, với điểm đầu tuyến tại cầu treo bắc qua sông Mã (giáp Tháp cổ Mường Luân) và điểm cuối tại Km7+918 thuộc xã Mường Luân. Tuy nhiên, do 2 đầu của dự án vướng vào đất rừng nên đến nay tuyến đường mới chỉ đạt khoảng 30% khối lượng công trình. Tuyến đường là công trình giao thông cấp IV phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thuộc 4 bản: Mường Luân 2, Co Kham, Na Hát và Páo Sinh; ngoài ra còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân bản Mường Luân 1 và Mường Luân 3.

Bấy lâu nay, ông Lò Văn Măng, Trưởng bản Mường Luân 2 và hơn 30 hộ gia đình trong bản mong chờ con đường này sớm hoàn thành để đi lại thuận tiện hơn. Nhưng đến khi dự án được phê duyệt lại vướng vào đất rừng khiến ông và dân bản cảm thấy không khỏi hụt hẫng. Ông Măng tâm sự: “Bản Mường Luân 2 có 32 hộ dân, gần 150 nhân khẩu sinh sống bên này sông Mã. Trước kia, khi chưa có dự án đường này, để đi lại thuận lợi nhất, bà con phải đi cầu treo qua sông. Trong khi, hầu hết diện tích nương của bà con 3 bản: Mường Luân 1, 2 và 3 lại nằm phía bên này sông Mã. Vì vậy, đến vụ thu hoạch, muốn vận chuyển nông sản về nhà hay bán cho thương lái, bà con phải vận chuyển bằng xe máy đi qua cầu treo, hay mùa khô thì đi xuống lòng sông vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Chính vì vậy, khi có dự án làm đường từ Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, bà con rất phấn khởi. Vì lẽ đó, nhiều gia đình trong bản sẵn sàng hiến đất để làm đường. Tuy nhiên, khi nghe thông tin tuyến đường vướng vào đất rừng nên dân bản lại lo lắng không biết bao giờ tuyến đường mới hoàn thành. Vậy nên, dân bản mong rằng chính quyền địa phương, các cấp, ngành, nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi đất rừng để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành con đường đưa vào sử dụng”.

Vì vướng vào đất rừng ở 2 đầu tuyến, nên đến nay đơn vị thi công là Công ty TNHH Lê Minh Quang 959 mới tiến hành mở được hơn 5km nền đường. Anh Nguyễn Văn Tiến, Chỉ huy công trường (Công ty TNHH Lê Minh Quang 959), cho biết: Tuyến đường này có chiều dài gần 8km, chiều rộng cả lề, rãnh là 5m. Ðể kịp tiến độ, đơn vị đã tiến hành thi công từ tháng 4/2018 để sau 2 năm công trình phải hoàn thành và bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, do điểm đầu tuyến thuộc bản Mường Luân 2 khi thi công phải bạt taluy dương vào đất rừng, với chiều dài khoảng 500m, sâu vào khoảng 2m; còn ở điểm cuối đường mỗi đoạn vướng vào rừng 5 - 6m, đoạn nào dài thì 50m nên đơn vị cần phải chờ để làm thủ tục chuyển đổi sử dụng rừng sang làm đường giao thông. Vì tốn nhiều thời gian để làm thủ tục chuyển đổi nên hiện nay đơn vị cho công nhân làm trước nền đường, kè thuộc những đoạn không vướng vào đất rừng để đảm bảo tiến độ.

Về phía đơn vị đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Minh Trịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông có 2 tuyến đường vướng vào đất rừng; trong đó có Dự án Ðầu tư xây dựng công trình đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, xã Mường Luân và công trình đường Keo Lôm - Săm Măn - Phình Giàng giai đoạn 2. Diện tích các tuyến đường chiếm vào đất rừng không nằm tập trung tại một vị trí mà rải rác trên toàn tuyến. Ở những điểm đó, không có những thân cây to mà chỉ có cây bụi, song vì đã được quy hoạch vào đất rừng nên căn cứ theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thì để thi công tuyến đường qua diện tích đất rừng đó, cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích làm đường giao thông. Tuy nhiên, để làm đầy đủ các thủ tục chuyển đổi cũng rất khó thực hiện và mất nhiều thời gian nên địa phương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét vấn đề này.

Ông Lò Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðơn vị đã nhiều lần cùng lãnh đạo UBND huyện đến tận nơi để khảo sát các dự án làm đường vướng đất rừng. Cụ thể, đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh, xã Mường Luân có diện tích 2 đầu tuyến vướng vào khoảng 5ha rừng trạng thái rừng IIa và công trình đường Keo Lôm - Săm Măn - Phình Giàng giai đoạn 2, có đoạn vướng vào khoảng hơn 1ha, có đoạn 2ha, trong đó chủ yếu vướng tại bản Săm Măn, xã Keo Lôm. Căn cứ Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư, nếu không có quyết định của cấp trên về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ không đồng ý để các đơn vị thi công các tuyến đường trên; nếu đơn vị nào vi phạm, lực lượng kiểm lâm sẽ tiến hành đình chỉ theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Có thể nói, khi hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán của nhân dân, mà còn góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương, đơn vị tự ý xâm phạm vào đất rừng. Vậy nên các tuyến đường giao thông mà vướng vào đất rừng cần phải làm đầy đủ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Ðây là chủ trương đúng đắn, nhằm giảm nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, tránh tình trạng nhiều công trình, dự án lợi dụng để xâm lấn đất rừng. Với thực trạng một số tuyến đường trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông vướng vào đất rừng, chúng tôi cũng như nhân dân, chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành Trung ương, địa phương sớm có giải pháp để nhanh chóng triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang làm đường giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top