Nông dân Hẹ Muông khai hoang sản xuất lúa nước

14:40 - Thứ Sáu, 08/03/2019 Lượt xem: 10022 In bài viết

ĐBP - Nhằm phát triển diện tích lúa nước 2 vụ, đảm bảo lương thực, giảm tình trạng phá rừng làm nương trái phép, năm 2017, cấp ủy, chính quyền xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) đã họp bàn, xin ý kiến nhân dân về chủ trương khai hoang những diện tích đất có thể dẫn nước từ các khe suối để sản xuất lúa. Sau khi có sự đồng thuận, UBND xã Hẹ Muông đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và xem đây tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã trong năm 2019.

 

Nông dân bản Na Côm, xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên) chăm sóc lúa trên diện tích khai hoang năm 2018.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hẹ Muông cho biết: UBND xã đã cử cán bộ trực tiếp đến 10/10 bản tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được lợi ích của việc khai hoang, sản xuất lúa nước. Do đó, chủ trương khai hoang ruộng nước được cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng tình ủng hộ. Với dân số chủ yếu là người dân dân tộc Thái và Khơ mú đều có tập quán canh tác lúa nước, nên khi có quỹ đất khai hoang để trồng lúa nước, bà con hưởng ứng tích cực. Tính đến nay, tổng diện tích khai hoang ruộng nước toàn xã được 30,3ha; trong đó năm 2017 - 2018 đã khai hoang 24,3ha; phục hóa được 14,8ha bãi Ta Lét bỏ hoang hóa từ năm 2010 để trồng ngô, đỗ các loại… Năm 2019, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân khai hoang 6ha. Ðiển hình trên địa bàn xã là bản Na Côm có 94 hộ (chiếm 18% dân số toàn xã) song 100% dân cư là người Mông có tập quán canh tác trên nương. Trước đây, chính quyền địa phương đã tuyên truyền nhiều lần nhưng không đạt hiệu quả, cho đến năm 2017 mới bắt đầu có sự chuyển biến. Ðến nay dân bản Na Côm đã khai hoang được 6ha để sản xuất lúa nước.

Do những diện tích khai hoang chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước ổn định, đất mới phải cải tạo nhiều nên năng suất lúa chưa cao. Năm đầu sau khai hoang, người dân phải chăm bón nhiều; có khu vực phải trồng 2 vụ đỗ để cải tạo đất. Nhưng diện tích hơn 30ha khai hoang sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề an ninh lương thực của xã Hẹ Muông, hạn chế phá rừng. Ðổi thay rõ nét là bản Na Côm khi nhiều hộ gia đình đã giảm diện tích nương, trả lại diện tích để tái sinh rừng.

Ðưa chúng tôi đến thăm diện tích 6ha khai hoang, giờ đây xanh mướt lúa xuân, anh Sùng A Giàng, Trưởng bản Na Côm, cho biết: 100% dân bản là dân tộc Mông. Trước đây, do diện tích đất canh tác ít, chủ yếu trồng lúa nương cho hiệu quả kinh tế thấp nên thời điểm giáp hạt, cả bản thiếu gạo, phải chờ Nhà nước cấp gạo cứu đói. Sau khi cán bộ xã tuyên truyền, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, hai năm qua, các hộ trong bản đã tích cực khai hoang diện tích trồng lúa nước. Gia đình tôi hiện có hơn 3.000m2 ruộng 1 vụ.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, chính quyền xã Hẹ Muông xác định tiếp tục vận động, khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng diện tích ruộng nước đảm bảo phù hợp quy hoạch. Trong đó tập trung các diện tích gần nguồn nước, chuyển đổi trồng màu sang trồng lúa nước để tăng sản lượng, từng bước ổn định tiến tới đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top