Phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi cho người dân biên giới

14:43 - Thứ Sáu, 08/03/2019 Lượt xem: 10243 In bài viết

ĐBP - Năm 2019, huyện Nậm Pồ xác định tiếp tục nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng; định hướng, xây dựng và hướng dẫn nhân dân trồng các giống rau quả an toàn. Ðồng thời phát triển, nhân rộng một số cây, con giống mới, nhằm tìm hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị cao cho nông dân khu vực vùng cao, biên giới.

 

Cán bộ Khuyến nông huyện Nậm Pồ theo dõi chu kỳ sinh trưởng của cây mắc ca trồng thí điểm tại Trại Khuyến nông bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Phạm Dương

Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nậm Pồ, trong năm 2018, Trạm đã hỗ trợ trên 4,5 tấn giống lúa mùa cho 492 hộ dân tại 5 xã (Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Phìn Hồ, Chà Nưa) với tổng diện tích 76,5ha. Trong đó gồm các giống: Lúa lai Nhị ưu 838; Bắc thơm số 7; Nếp 97 và Nếp 87. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp mở 8 lớp tập huấn cách nhận dạng và phòng, chống tác hại của châu chấu tre với sự tham gia của 237 người; mở 11 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 330 người tại 11 xã… Triển khai thực hiện mô hình “sản xuất lúa chất lượng” bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Nậm Pồ đã triển khai gieo giống lúa Bắc thơm số 7 xác nhận cho 30 hộ tại xã Nà Hỳ, với diện tích 5ha. Qua hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả, năng suất đạt 63 tạ/ha, sản lượng 31,5 tấn. Cùng với đó, nhằm hỗ trợ cải tạo vườn cây ăn quả, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ ghép mắt cải tạo vườn nhãn cho 10 hộ dân tại xã Nà Hỳ (diện tích 1ha); hỗ trợ 60.000 con cá giống cho 67 hộ dân tại 2 xã: Si Pa Phìn, Chà Cang với tổng diện tích 3ha mặt nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thương, Trạm phó Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Nậm Pồ cho biết: Ngoài các hình thức hỗ trợ canh tác, chăn nuôi phổ biến, thời gian qua, theo định hướng của Huyện ủy, UBND huyện về tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, trạm đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, kêu gọi nguồn hỗ trợ, xây dựng các mô hình thí điểm, mô hình trình diễn tại một số địa bàn. Ðiển hình như: Hỗ trợ nông dân xã Vàng Ðán trồng 1.000 cây mận Ham Xoong; 2 mô hình trồng thí điểm cây sa nhân tại xã Nậm Khăn (năm thứ 4) và xã Nà Bủng (năm thứ 3); chăm sóc 200 cây cam ra quả năm đầu, 200 cây bưởi, 100 cây ổi và một số loại cây ăn quả khác tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ; chăm sóc mô hình trồng đào, mận và trồng mới 200 cây táo mèo tại bản Ðề Pua, xã Phìn Hồ. Cuối năm 2018, với sự hỗ trợ của Ngân hàng bưu điện Liên Việt và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, huyện đã hoàn thành trồng 1.000 cây mắc ca tại bàn Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ. Ðây là diện tích mắc ca trồng thử nghiệm Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện được UBND huyện giao xây dựng mô hình tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ. Việc trồng và chăm sóc cây mắc ca được cán bộ, viên chức của trạm trực tiếp thực hiện theo quy trình kỹ thuật do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hướng dẫn, với mục đích tạo bước chuẩn bị cho việc vận động nhân dân trong huyện tham gia góp đất trồng mắc ca theo dự án lớn, tập trung trên địa bàn các xã: Nà Hỳ, Nậm Chua, Nà Khoa, Na Cô Sa.

Ðến thăm mô hình trình diễn rộng 4ha tại bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, theo quan sát của chúng tôi, các giống cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi, cam đã cho quả; mắc ca dù mới trồng cũng đã có chiều cao thân trung bình khoảng 60cm. Cán bộ kỹ thuật trực tại đây ứng dụng các phương pháp hữu cơ để chăm sóc, bảo vệ như: sử dụng phân chuồng ủ đủ thời hạn để bón, dùng dây dẫn kiến làm thiên địch diệt sâu bệnh cho cây; đặc biệt là mô hình nuôi ong mật địa phương để tận dụng mùa hoa của vườn cây ăn quả. Bày tỏ sự tâm huyết với các mô hình, ông Nguyễn Duy Thương chia sẻ: Qua nhiều lần thử nghiệm các cây, con giống mới trên địa bàn, có những loại hình cây trồng, vật nuôi cơ bản thích ứng được với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, song cũng có mô hình chưa thực sự phù hợp. Ðơn cử như dù là giống cây phù hợp với khí hậu lạnh nhưng các giống đào, mận, sơn tra trên đỉnh Ðề Pua (xã Phìn Hồ) quanh năm mây phủ vẫn không sinh trưởng theo kỳ vọng. Theo định hướng, trong thời gian tới, ngoài hỗ trợ bà con đảm bảo an ninh lương thực, chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển, phổ biến cây mắc ca và nuôi ong địa phương chất lượng cao, nhằm góp phần giải bài toán kết hợp cả “trồng” và “nuôi”  cho người dân địa phương.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top