Khó thực hiện sản xuất liên kết chuỗi giá trị ở Tủa Chùa

08:59 - Thứ Hai, 11/03/2019 Lượt xem: 10012 In bài viết

ĐBP - Năm 2018, huyện Tủa Chùa đã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt các dự án sản xuất liên kết chuỗi giá trị với một số sản phẩm nông sản. Mặc dù, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn thực hiện song đến nay, việc triển khai các dự án sản xuất liên kết chuỗi giá trị ở Tủa Chùa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; người dân chủ yếu vẫn “tự sản, tự tiêu”.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Gần đây nhất là Quyết định số 14/QÐ-UBND ngày 26/3/2018 về ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí để thực hiện một số nội dung theo Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, trong đó chú trọng việc sử dụng kinh phí sự nghiệp để triển khai các dự án sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, đối với huyện Tủa Chùa việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Ðến nay, toàn huyện chưa có bất kỳ một chuỗi liên kết giá trị nào hoàn thiện, tất cả chỉ mới đang là các bước chuẩn bị.

Cây chè là sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng nhất của huyện Tủa Chùa để thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhưng việc phát triển, mở rộng diện tích sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè còn nhiều khó khăn. Huyện Tủa Chùa đề ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích chè toàn huyện đạt 800ha, song đến nay mới có 577ha.  Năm 2018, huyện Tủa Chùa được UBND tỉnh phê duyệt dự án chuỗi liên kết sản xuất chè Tủa Chùa theo Quyết định số 463/QÐ-UBND ngày 1/6/2018 về phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2018 - 2020. Theo quy định, một dự án liên kết chuỗi được phê duyệt phải có đầy đủ các thành phần như: Ðơn vị cung ứng giống, người dân, chủ đầu tư và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Các thành phần tham gia dự án có nhiệm vụ, trách nhiệm riêng nhưng có sự ràng buộc để chuỗi liên kết bền vững. Dự án đã được phê duyệt nhưng đến nay huyện Tủa Chùa chưa triển khai đúng như quy định bởi nhiều khó khăn. Ðối với sản phẩm chè, ngoài Công ty Phan Nhất; Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên, huyện Tủa Chùa đã thu hút thêm được 2 công ty: Hương Linh và Ðức Chính tham gia khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng để thực hiện đúng quy định về chuỗi liên kết thì chưa đảm bảo. Ngoài các diện tích chè cổ thụ, diện tích chè trồng từ giai đoạn 2011 - 2012 đến nay đã đến thời kỳ kinh doanh, thu hái nhưng cây chè chỉ cao từ 40 - 70cm, số lượng búp thực thu ít; cây chè chậm phát triển. Huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách hỗ trợ về: Cây giống, phân bón và gạo đối với những diện tích chè mở rộng thêm nhưng nhiều hộ dân chưa chú trọng chăm sóc, bảo vệ nên một số diện tích không đủ điều kiện nghiệm thu hỗ trợ theo quy định. Thực tế hiện nay sản phẩm chè Tủa Chùa chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, số lượng chè búp tồn kho nhiều, trung bình hàng năm tồn trên 4.000kg, riêng năm 2017 tồn kho khoảng 6.000kg.

Dự án chuỗi liên kết mới đối với sản phẩm đậu đỏ và khoai sọ tím là dự án thứ 2 của huyện Tủa Chùa được UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng thực tế đến nay, huyện chưa triển khai thực hiện dự án. Toàn huyện có khoảng 20ha khoai sọ tím và đậu đỏ nhưng trồng manh mún, nhỏ lẻ tại các xã: Sính Phình, Lao Xả Phình và Tả Sìn Thàng. Người dân chủ yếu vẫn “tự sản, tự tiêu”. Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: Ðậu đỏ là loại cây trồng gắn bó với người dân từ lâu đời. Năm 2018, xã Sính Phình dự kiến trồng 5ha cây đậu đỏ tuy nhiên xét thấy không có thị trường tiêu thụ nên người dân chỉ thực hiện 2ha, tập trung tại các thôn 1, 2, 3, 4. Sản phẩm thu được, bà con chủ yếu để sử dụng, số ít hộ bán lẻ tại các chợ huyện. Còn việc thực hiện dự án sản xuất theo liên kết chuỗi đối với sản phẩm đậu đỏ trên địa bàn xã thì chưa triển khai.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top