Mường Chà chủ động phòng cháy chữa cháy rừng

09:12 - Thứ Tư, 13/03/2019 Lượt xem: 11142 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Chà có tổng diện tích đất có rừng gần 42.895ha; trong đó, rừng tự nhiên trên 41.790ha, rừng trồng hơn 1.100ha. Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện ngày càng có chuyển biến rõ rệt. Ðặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện không để xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

 

Nhân viên kiểm lâm phối hợp với cán bộ UBND xã Pa Ham kiểm tra rừng trên địa bàn quản lý.  Ảnh: Thu Hằng

Là xã có diện tích rừng lớn của huyện Mường Chà với gần 7.000ha, nhiều năm qua, xã Mường Tùng luôn được coi là một trong những điểm sáng của huyện trong công tác bảo vệ rừng nói chung, công tác PCCCR nói riêng. Ðể chủ động PCCCR, đầu mùa khô hàng năm, UBND xã Mường Tùng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Lập phương án PCCCR đối với diện tích chưa giao, chưa cho thuê đã được UBND huyện phê duyệt giao quản lý, bảo vệ trên địa bàn; chỉ đạo các chủ rừng, hộ gia đình, cộng đồng dân cư lập phương án PCCCR trên diện tích rừng được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR tới người dân…

Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Thời điểm dễ xảy ra cháy rừng là mùa khô, thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước kéo dài cho đến tháng 4 năm sau. Nhất là sau tết, người dân thường tổ chức đốt nương, đây là một trong những nguy cơ dễ dẫn đến cháy rừng. Bởi vậy, trước và trong khoảng thời gian này, chính quyền xã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm rõ các quy định trong việc PCCCR, đặc biệt là quy trình đốt nương như: Ðốt vào giờ quy định là sáng sớm hoặc chiều tối; không đốt nương khi gió to; đốt từ trên xuống dưới, làm đường băng cản lửa xung quanh nương trước khi đốt; khi đốt nương phải có người trông coi; trước khi đốt nương phải thông báo cho trưởng bản biết ngày, giờ, địa điểm đốt nương…

Xác định khi xảy ra cháy rừng thiệt hại sẽ rất lớn, chính vì vậy huyện Mường Chà luôn quán triệt phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”. Bước vào đầu mùa khô hanh 2018 - 2019, UBND huyện đã củng cố, kiện toàn 12 ban chỉ huy PCCCR và bảo vệ rừng các xã, thị trấn; củng cố, duy trì 110 tổ, đội PCCCR và bảo vệ rừng tại thôn, bản với gần 1.100 thành viên tham gia (đạt 100% số thôn, bản), đồng thời vận động, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR được trên 6.670 người. Khi vào mùa khô hanh, công tác PCCCR luôn được huyện Mường Chà đặt lên hàng đầu với sự tham mưu chặt chẽ của cơ quan thường trực là Hạt Kiểm lâm huyện. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức diễn tập PCCCR để nâng cao khả năng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Ðồng thời chủ động xây dựng hoàn chỉnh bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng trên địa bàn để làm cơ sở triển khai các phương án ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Ðồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra địa bàn được xác định có nguy cơ cháy rừng cao thuộc các xã: Ma Thì Hồ, Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông và Huổi Mí.

Một trong những giải pháp góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, PCCCR của cộng đồng và người dân là thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng. Trong năm 2018, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát, giao thêm được hơn 4.499ha rừng cho UBND các xã, thị trấn quản lý; trong đó đã nghiệm thu, bàn giao trên 3.151ha rừng chưa giao, chưa cho thuê đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ.

Với quyết tâm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, cuối tháng 2 vừa qua, UBND huyện Mường Chà đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn huyện năm 2019, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ: tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, nhất là tại các khu rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, phá rừng, khai thác lâm sản; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; lập phương án PCCCR… Từ đó góp phần hoàn thành Nghị quyết của HÐND huyện giao nâng độ che phủ rừng từ 36,05% (năm 2018) lên 36,10% (năm 2019).

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top