Xây dựng nông thôn mới ở Mường Nhé

Ðòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn

10:04 - Thứ Năm, 14/03/2019 Lượt xem: 10167 In bài viết

ĐBP - Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi có dịp trở lại xã biên giới Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Ðược lựa chọn là xã “điểm” xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện, trải qua những tháng ngày gian khó với sự đồng cam cộng khổ của nhân dân, bộ mặt NTM mới xã Sín Thầu đã có những bước tiến “vượt bậc”... Ðiện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng khang trang; những mái nhà thưa thớt, lụp xụp nay đã được thay bằng mái ngói đỏ tươi; đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc.

 

Công trình nước sinh hoạt bản Nậm Khum, xã Chung Chải đầu tư xây dựng từ năm 2015 giúp người dân có nguồn nước sạch sử dụng.

Là huyện xa nhất tỉnh, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Hà Nhì...) sinh sống; do vậy, ngay khi bắt tay vào triển khai chương trình xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng của Mường Nhé rất khó khăn. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đặc biệt phát huy tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”; xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ tiên quyết trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành các chỉ thị, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM theo từng giai đoạn. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, trên hết là sự đồng thuận của nhân dân, đến hết năm 2018, bình quân toàn huyện đạt 7,6 tiêu chí/xã. Trong đó, 1 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 1 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2020 đạt bình quân 15,3 tiêu chí/xã, tăng 10,7 tiêu chí/xã so với năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng nông thôn mới ở xã Sín Thầu vẫn còn nhiều khó khăn. Mới đây trong cuộc họp Hội đồng thẩm định xét công nhận các xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2018; mặc dù năm 2017 xã Sín Thầu đã được công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM nhưng năm 2018 chưa đủ điều kiện đạt chuẩn NTM do xã mới đạt 16/19 tiêu chí (còn thiếu 3 tiêu chí: tiêu chí số 5 về trường học, số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, số 11 về hộ nghèo).

Lý giải nguyên nhân, theo bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu: Ðặc thù của xã là vùng cao, biên giới nên các tiêu chí cứng trong xây dựng NTM, như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa... trở thành những rào cản và thách thức không nhỏ. Ðặc biệt, trong phát triển kinh tế, mặc dù đã được thụ hưởng những chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất, nhưng với lối canh tác lạc hậu, bà con vẫn còn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại, dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức cao (45,93%). Ðể giải “bài toán” xây dựng NTM, bà Pờ Mỳ Lế khẳng định: Ðây không phải là việc một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có sự gắn kết hài hòa giữa chính quyền và nhân dân; nhất là vấn đề giảm tỷ lệ hộ nghèo nếu như không có sự đầu tư đồng bộ, đồng lòng quyết tâm của người dân thì việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% là nhiệm vụ bất khả thi với chính quyền xã. Về tiêu chí số 5, xã sẽ nỗ lực khắc phục, động viên thầy, cô giáo hoàn thành trong năm 2019.

Cái khó lớn nhất trong xây dựng NTM huyện Mường Nhé phải đối mặt là nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay nhiều tiêu chí mang tính bứt phá lại rất khó thực hiện do hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở nông thôn còn rời rạc, lạc hậu; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn... Việc triển khai tổ chức thực hiện của một số đơn vị còn lúng túng; trình độ năng lực cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong công việc. Ðặc biệt, nhân dân phải sống dựa vào trợ cấp thì việc huy động sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên kinh phí xây dựng NTM hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh (tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2018 là: 407.353 triệu đồng); sử dụng nguồn ngân sách trung ương (vốn trực tiếp của Chương trình xây dựng NTM là: 13.727 triệu đồng; đầu tư phát triển: 15.300 triệu đồng...); điều này đã khiến các tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn không biết khi nào mới hoàn thành được. Ðơn cử như tiêu chí số 2 về giao thông (chỉ có 1 xã đạt chuẩn) do nguồn vốn hạn hẹp mà đa phần các hạng mục xây dựng của các tuyến đường giao thông tại nhiều xã đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ khiến nhiều xã trong huyện vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, mặc dù Mường Nhé đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng thương mại, dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở các chương trình, dự án huyện đã đầu tư hỗ trợ cây, con giống để bà con có thêm tư liệu sản xuất, nhưng do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu; chi phí đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật cho sản xuất cao nên thu nhập của người dân rất thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện, tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao 64,16% (theo chuẩn nghèo đa chiều mới); 11/11 xã chưa có xã nào đạt chuẩn theo tiêu chí số 11.

Ðể từng bước tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, huyện Mường Nhé tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh sản xuất; khơi dậy ý chí và khát vọng của nhân dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; huy động tối đa các nguồn lực xã hội và thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư xây dựng NTM. Huyện chú trọng những điểm mang tính chất đột phá, xã nào có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung chỉ đạo để về đích sớm, xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện từng nội dung, tiêu chí, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Từ đó, phân bổ các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải; ưu tiên nguồn lực cho các xã được phê duyệt về đích theo đúng lộ trình đề ra.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top