Vệ sinh sứ cách điện hotline

Biện pháp hiệu quả giảm tổn thất điện năng

08:50 - Thứ Hai, 18/03/2019 Lượt xem: 10944 In bài viết

ĐBP - Việc triển khai thực hiện vệ sinh sứ cách điện hotline (vệ sinh bằng nước áp lực cao trên đường dây đang mang điện) trên địa bàn toàn tỉnh không chỉ tiết kiệm chi phí cho ngành điện, bảo đảm an toàn lao động mà còn giúp giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cấp điện.

 

Nhân viên Điện lực TP.Điện Biên Phủ tiến hành rửa sứ hotline.

Vệ sinh hotline là vệ sinh cách điện của đường dây, cách điện của các thiết bị ngoài trời trong trạm biến áp khi thiết bị đó đang mang điện. Môi chất để vệ sinh là nước cách điện được bắn rửa với áp lực cao, nhân viên thực hiện vệ sinh tiếp cận với đối tượng mang điện qua dòng nước cách điện. Hàng ngày, hệ thống lưới điện phải tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn từ môi trường. Khi bề mặt bẩn kéo dài sẽ gây rò làm tổn thất điện năng. Nếu độ bẩn tích tụ nhiều, kết hợp độ ẩm cao hoặc sương mù có thể dẫn đến phóng điện dọc theo bề mặt chuỗi cách điện, gây ra sự cố pha - đất, làm gián đoạn cấp điện. Do đó, trước đây để đảm bảo an toàn cho hệ thống, định kỳ hàng năm, các đơn vị điện lực phải tiến hành cắt điện, đồng thời huy động một lực lượng lớn nhân lực làm vệ sinh lưới điện. Ðáng nói là việc cắt điện khi tiến hành vệ sinh lưới điện đã gây nhiều thiệt hại cho hệ thống, như: Phá vỡ phương thức vận hành hợp lý, tăng tổn thất điện năng, gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng… Ðặc biệt, việc công nhân phải lau chùi từng bát sứ trên độ cao 40 - 50m cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Trước thực trạng đó, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã thực hiện giải pháp vệ sinh cách điện hotline, sử dụng nước áp lực cao. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian và công sức cho công nhân, đặc biệt là không phải cắt điện của khách hàng. Công nghệ này sử dụng giải pháp phun nước áp lực cao vào trụ điện, đường dây, bát sứ, trong khi đường dây vẫn mang tải. Nước dùng để vệ sinh lưới điện là nước nguyên chất đã được khử ion nên không dẫn điện.

Giải pháp trên đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng từ lâu, nhưng với tỉnh Ðiện Biên lại hoàn toàn mới. Do vậy, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tính toán hiệu quả, an toàn và đặc biệt là chứng minh đã làm chủ được công nghệ này. Hàng năm Công ty mở lớp bồi huấn, huấn luyện và kiểm tra sát hạch quy trình vệ sinh cách điện lưới điện phân phối đang mang điện bằng nước áp lực cao. Trong tháng 2, Hội đồng Huấn luyện, sát hạch kiểm tra an toàn điện của Công ty đã tổ chức lớp huấn luyện, sát hạch kiểm tra cho 10 học viên tại các Ðiện lực: TP. Ðiện Biên Phủ, Mường Chà, Tuần Giáo và Ðội Quản lý vận hành lưới điện cao thế. Các học viên đã tham gia thực hành lắp đặt, chuẩn bị máy vệ sinh cách điện và thực hành vệ sinh cách điện thực tế tại 1 trạm biến áp, 2 cột có cách điện chuỗi tại đường dây 22kV đang vận hành mang tải và thực hành vệ sinh 1 ngăn lộ tại trạm 110kV Ðiện Biên đang vận hành thuộc Ðội quản lý vận hành lưới điện cao thế Công ty Ðiện lực Ðiện Biên. Sau lớp huấn luyện, học viên đã làm chủ các thiết bị công nghệ tiên tiến, trở thành nòng cốt để thực hiện vệ sinh cách điện hotline trên toàn địa bàn do Công ty quản lý vận hành.

Ðiện lực TP. Ðiện Biên Phủ là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ vệ sinh hotline. Ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Ðiện lực TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Nếu trước đây, để vệ sinh xong một cột, công nhân phải thao tác thủ công mất 2-3 giờ, thì nay thời gian thực hiện không quá 3 phút. Bên cạnh đó, khi hệ thống điện trên địa bàn thành phố chưa thật sự đáp ứng vận hành theo tiêu chí N-1, việc thay đổi phương thức vận hành do phải cắt điện một ngăn lộ để vệ sinh sứ trong thời gian dài là rất khó khăn và có nguy cơ dẫn đến quá tải các đường dây. Do đó, công nghệ vệ sinh cách điện hotline đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cải thiện chỉ số Saifi (chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) và chỉ số Saidi (chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) của toàn ngành điện. Tuy nhiên, công nghệ này cho phép vệ sinh lưới điện khi đang mang tải, nên những người thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn, tuyệt đối không được sai sót. Ðặc biệt, người thực hiện vệ sinh hotline phải có bậc an toàn tối thiểu là bậc 4 và được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân, như: Quần áo bảo hộ lao động, dây đeo an toàn, mũ bảo hộ, găng tay vải, giày vải, kính bảo hộ, găng tay cách điện 1.000V, ủng cách điện 22kV.

Từ đầu năm đến nay, ngành Ðiện lực Ðiện Biên đã thực hiện vệ sinh lưới điện bằng công nghệ hotline tại thành phố, các địa bàn còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Không chỉ giảm tổn thất điện năng, vệ sinh cách điện hotline còn góp phần đảm bảo an toàn lao động, phù hợp với xu thế phát triển của nền công nghiệp hiện đại. 

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top