Ðưa nông sản về phố

09:09 - Thứ Năm, 21/03/2019 Lượt xem: 12347 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu đưa sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh từng bước phát triển trên thị trường trong và ngoài nước, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 được triển khai ở huyện Ðiện Biên Ðông đã giúp nhiều nông sản vượt rừng về phố.

 

Sản phẩm bí đao Tìa Dình được bày bán tại Siêu thị Hoa Ba.

Trong chuyến công tác tại huyện Ðiện Biên Ðông, chúng tôi được thưởng thức những món ăn do đồng bào dân tộc địa phương chế biến. Trong số các thực phẩm, chúng tôi có ấn tượng với bí đao - một đặc sản có tiếng của xã Tìa Dình. Không như các loại bí trồng ở địa phương khác, bí đao Tìa Dình có vị rất riêng, thơm ngọt, không bị xốp hay cứng mà rất bở. Theo giới thiệu của ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, chúng tôi đến thăm nhà anh Giàng Sình Lồng ở bản Chua Ta B, một trong các hộ trồng nhiều bí đao nhất của xã cũng như trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông.

Câu chuyện với anh Lồng bắt đầu từ những dây bí bò quanh những khóm lúa nương và đến hôm nay những xe chở bí đao cứ thế vượt rừng về phố. Anh Lồng chia sẻ: Không nhớ từ bao đời rồi bí đao đã trở thành cây trồng gắn bó với gia đình tôi và nhiều hộ khác ở Tìa Dình. Người Mông chúng tôi trồng bí để ăn quanh năm và đặc biệt là dự trữ vào mùa giáp hạt. Chẳng chăm bón gì nhiều nhưng sai quả lắm, có vụ gia đình thu hoạch trên 2 tấn quả. Trên nương lúa, dây bí bò khắp nơi, len lỏi qua các khóm lúa, quả nằm lăn lóc như những chú lợn con béo tròn. Cuối tháng 10, 11 hàng năm sau khi thu hoạch, gia đình lại chở bí xuống chợ huyện bán với giá từ 10 - 15.000 đồng/kg. “Tiếng lành đồn xa”, bí đao Tìa Dình ngày càng được nhiều người biết đến. Và đến nay, bí đao Tìa Dình là cây trồng được lựa chọn làm sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Cuối năm 2018, theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hợp tác xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) đã thu mua hơn 10 tấn bí đao tại xã Tìa Dình. Riêng bản Chua Ta B bán được 9 tấn, còn lại là các bản Tìa Dình A, C… Sản phẩm được liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đã giúp người dân trên địa bàn xã có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với bà con là kỹ thuật canh tác. Bởi nhiều năm nay, người dân đã quen lối canh tác truyền thống, trồng trên nương xen lẫn lúa mà chưa thực hành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trên cơ sở thực hiện dự án, huyện Ðiện Biên Ðông đã vận động nhân dân trồng, ký hợp đồng và liên kết với HTX Thanh Yên thành lập các tổ hợp tác thu mua ngay tại xã để kết nối bao tiêu sản phẩm. Trong năm 2018 huyện đã liên kết, ký hợp đồng với người dân và bao tiêu sản phẩm bí đao bán tại Siêu thị Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ). Tại Siêu thị Hoa Ba, bí đao Tìa Dình được trưng bày ở vị trí dễ thấy tại gian hàng trái cây và thực phẩm tươi. Bà Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố 10, phường Thanh Trường, (TP. Ðiên Biên Phủ) đang chọn mua bí nhận xét: Bí đao Tìa Dình bán tại siêu thị quả không to, chỉ từ 2 - 4kg song có vị rất riêng, thơm bở và không bị xốp, giá phải chăng. Trước đây, có dịp đến Ðiện Biên Ðông tôi thường tìm mua loại bí này bằng được, bây giờ tiện lợi quá vì bí đã có tại siêu thị.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm triển khai ở Ðiện Biên Ðông nhằm phát triển kinh tế khu vực theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân đầu tư, chăm sóc cây bí để nâng cao số lượng, chất lượng, mẫu mã. Mục tiêu để sản phẩm bí đao của Ðiện Biên Ðông có chỗ đứng vững chắc không chỉ tại Siêu thị Hoa Ba mà còn có mặt tại thị trường ngoài tỉnh. Cùng với bí đao Tìa Dình, các sản phẩm khác, như: khoai sọ Phì Nhừ, nếp tan Na Son cũng nằm trong danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ðầu năm 2019, đơn vị bao tiêu vừa ký cam kết với sản phẩm bí đao và khoai sọ. Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông đang mời thêm một đơn vị nữa theo chuỗi của Siêu thị Vinmart tiếp tục đưa sản phẩm nếp tan, bí đao và lạc của xã Na Son ra thị trường. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác định mẫu đất, mẫu sản phẩm để cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm này. Trong đó, sản phẩm khoai sọ Phì Nhừ đang hoàn thiện chứng nhận truy xuất nguồn gốc.

Mục tiêu của chương trình Mỗi xã một sản phẩm là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của mỗi vùng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Ðó là cơ hội để những đặc sản ở địa bàn vùng cao, vùng sâu được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Và bí đao Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ là những sản phẩm tiên phong của huyện Ðiện Biên Ðông.


Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top