Cần hiểu đúng bản chất dịch tả lợn châu Phi

08:40 - Thứ Hai, 08/04/2019 Lượt xem: 10830 In bài viết

ĐBP - Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, sức mua thịt lợn của người dân giảm rõ rệt. Do đó, cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đủ bản chất của dịch tả lợn châu Phi. Từ đó sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và an toàn.

 

Các quầy hàng bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh 1 tháng trở lại đây giảm khách mua.

Tại huyện Ðiện Biên Ðông, đến ngày 4/4 mới chính thức xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên với tâm lý lo sợ bị lây nhiễm bệnh, không ít người tiêu dùng đã dè chừng với thịt lợn và các chế phẩm từ lợn từ thời gian trước đó. Cũng không ít người tiêu dùng dù biết bệnh này không lây sang người nhưng vẫn e ngại thịt lợn mà thay bằng các loại thực phẩm khác như: gà, tôm, cá… Chị Phạm Thị Ánh, ở thị trấn Ðiện Biên Ðông cho biết: “Qua thông tin trên báo chí, truyền hình, tôi được biết dịch tả lợn châu Phi không lây và gây nguy hiểm đến người. Tuy nhiên, vì tâm lý “ăn mất ngon” nên tạm thời gia đình tôi chọn thực phẩm khác thay thế”.

Tâm lý e dè của người tiêu dùng khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện khiến cho việc kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn tỉnh, mặt hàng thịt lợn vẫn bày bán ổn định nhưng sức mua đã giảm khoảng 40% - 50% so với trước đây. Chị Nguyễn Thị Hương, chủ sạp thịt lợn tại chợ Mường Thanh chia sẻ: Giá thịt lợn hiện đã giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại so với trước nhưng vẫn tiêu thụ chậm. Trước đây khi chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, mỗi ngày tôi nhập 2 - 3 con lợn, bán vẫn hết. Từ khi dịch bệnh xuất hiện mỗi ngày chỉ bán 1 con khoảng 60 - 70kg. Mặc dù thịt lợn chúng tôi bán có nguồn gốc, được sự kiểm chứng của cơ quan chức năng song tâm lý e ngại của người tiêu dùng nên tiêu thụ chậm.

Theo thống kê, trước đây trung bình mỗi ngày toàn tỉnh nhập khoảng 2 tấn lợn từ các tỉnh dưới xuôi, cùng với nguồn cung trong tỉnh đạt gần 10 tấn. Tuy nhiên, đến nay mức tiêu thụ đã giảm khoảng 50%. Vì vậy, cùng với việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng để người dân hiểu được đúng bản chất của dịch, không quay lưng với thịt lợn sạch, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Ðồng thời kiểm soát chặt chẽ mặt hàng thịt lợn kinh doanh tại các chợ nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Việc người tiêu dùng e dè với thịt lợn là điều khó tránh khỏi trong thời điểm này. Hiện nay nhiều người chưa hiểu đúng, đủ về dịch tả lợn châu Phi nên nảy sinh tâm lý lo sợ như vậy. Cơ quan chuyên môn quốc tế, trong nước đã khẳng định dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, vì vậy người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt và các sản phẩm từ lợn tại các nơi giết mổ có kiểm soát thú y. Ðặc biệt, thời gian qua, những con lợn có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi đã bị lực lượng chức năng tiêu hủy kịp thời, đảm bảo không có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi bị bán ra thị trường. Ðiều đó cũng có nghĩa thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt lợn khỏe mạnh, bảo đảm an toàn.

Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều thông tin sai sự thật về bệnh tả lợn châu Phi gây hoang mang dư luận. Do đó, người dân cần bình tĩnh, cảnh giác trước các luồng thông tin này. Sự cẩn trọng là cần thiết, song người tiêu dùng cũng cần hiểu rõ, đúng bản chất của dịch tả lợn và chọn thịt lợn an toàn, có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch rõ ràng chứ không nên tẩy chay theo kiểu đánh đồng. Nên chăng, ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn, nhất là tại khu vực nông thôn để phục vụ người dân.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top