Chủ động phòng trừ sâu bệnh cho lúa đông xuân

08:42 - Thứ Hai, 08/04/2019 Lượt xem: 11418 In bài viết

ĐBP - Thời điểm này, lúa đông xuân niên vụ 2018 - 2019 đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, trổ bông. Ðây là giai đoạn nhạy cảm, nếu cây lúa bị nhiễm sâu bệnh sẽ rất khó xử lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng. Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại lúa.

 

Người dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Vụ đông xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo cấy gần 9.700ha; trong đó trà sớm hơn 2.800ha, trà chính vụ hơn 5.300ha, trà muộn gần 1.500ha. Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết nhiều sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh và sinh vật gây hại. Trong đó có 2 loại bệnh chính, nguy hiểm đối với cây lúa là: Ðạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh có gần 5.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Trong đó, có 1.011ha lúa bị nhiễm từ 5% lá trở lên, tăng 959ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích bị nhiễm nặng gần 166ha; nhiễm trung bình 519ha. Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Vụ đông xuân năm nay là một trong những vụ có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá lớn nhất trong nhiều năm qua. Song, do có sự chuẩn bị, theo dõi và kế hoạch phòng trừ từ đầu vụ nên đến nay phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá đã được phòng trừ hiệu quả. Cây lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá thường có nguy cơ cao bị bệnh đạo ôn cổ bông. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương chủ động theo dõi và tiến hành sớm các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Ðiện Biên là huyện có diện tích lúa đông xuân lớn nhất, cũng là địa phương có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá lớn nhất tỉnh. Năm nay, huyện Ðiện Biên gieo cấy gần 5.100ha lúa đông xuân, trong đó trên 1.000ha đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Ông Ðỗ Mạnh Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên cho biết: Bệnh đạo ôn lá xuất hiện từ rất sớm, từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh và kéo dài đến giai đoạn cuối để nhánh. Năm nay, huyện Ðiện Biên có diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá khá lớn song do chủ động phòng trừ từ đầu vụ nên đến nay bệnh đạo ôn lá đã cơ bản được khống chế. Thời điểm này Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Bảo vệ thực vật; Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp chặt chẽ với UBND các xã theo dõi, phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Năm nay, lúa đông xuân có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông rất cao. Bởi vì, người nông dân gieo cấy không tuân thủ cơ cấu giống của huyện. 2 loại giống: Bắc thơm số 7 và Séng cù chiếm trên 70% cơ cấu giống trong khi bệnh đạo ôn cổ bông chủ yếu xuất hiện trên 2 loại giống này. Ðể phòng trừ bệnh đạo ôn có nhiều phương pháp, hiệu quả nhất là tuân thủ cơ cấu giống, hạn chế các loại giống mẫn cảm với bệnh. Bà con nông dân nên tập trung chăm sóc lúa như: Thường xuyên thăm đồng, điều tiết nước và tăng cường chất dinh dưỡng. Ðặc biệt lưu ý không nên bón quá nhiều đạm. Chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, nhất là trên các giống: Séng cù và Bắc thơm số 7. Tiến hành phun vào 2 thời điểm chính: Lúa thập thò trỗ bông và khi lúa đã trỗ đều (cách nhau 5 - 7 ngày).

Ông Lù Văn Phong, đội 2, xã Thanh Chăn cho biết: Năm nay, gia đình ông gieo cấy 1.200m2 lúa Séng cù. Rút kinh nghiệm từ vụ đông xuân năm 2017 - 2018 phát hiện bệnh muộn, phun phòng trừ không hiệu quả nên thời điểm này gia đình thường xuyên thăm đồng, đảm bảo nước luôn có trên ruộng và tăng cường các chất dinh dưỡng cho lúa. Thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, ông đã phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông từ lúc cây lúa kết thúc giai đoạn đẻ nhánh.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, bệnh đạo ôn cổ bông không phải là mối nguy hại chính đối với lúa đông xuân. Sinh vật gây hại đáng lo ngại là sâu đục thân. Cũng giống như bệnh đạo ôn cổ bông, nếu cây lúa đã bị sâu đục thân tấn công thì “vô phương cứu chữa”. Còn nhớ năm 2018, ngay từ đầu vụ các cơ quan chuyên môn huyện đã phát hiện đối tượng sâu đục thân hại lúa nhưng do diện tích nhiễm quá nhỏ, mật độ thấp nên không chú ý sinh vật nguy hiểm này. Ðến cuối vụ, khi phát hiện ra thì đã muộn, các phương pháp phòng trừ sâu đục thân không còn hiệu quả. Ông Ðiêu Chính Luyện, Phó trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tủa Chùa cho biết: Rút kinh nghiệm năm 2018, năm nay, trạm theo dõi chặt chẽ diễn biến của tất cả các loại sâu bệnh, sinh vật gây hại. Ðồng thời, trạm đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, sinh vật gây hại, nhất là sâu đục thân. Hiện nay, lúa đông xuân đang được theo dõi chặt chẽ, sinh trưởng tốt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top