Phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Cần sự phối hợp của người chăn nuôi

08:33 - Thứ Tư, 10/04/2019 Lượt xem: 12514 In bài viết

ĐBP - Sau 1 tháng từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện, đến nay, tỉnh ta đã có 7/10 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh lây lan không chỉ gây khó khăn cho người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng mà còn đặt ra những thách thức cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc dập dịch, kiểm soát dịch bệnh. Ðể ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự phối hợp của người chăn nuôi.

 

Cán bộ Trạm Thú y TP. Ðiện Biên Phủ tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại bản Nà Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Phạm Trung

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, diễn biến phức tạp. Ðến thời điểm này, các nguyên nhân, cơ chế lây nhiễm của bệnh vẫn đang trong quá trình xác định; nhiều ổ dịch mới ở dạng phỏng đoán chưa khẳng định chính xác cách thức lây bệnh, có thể lây nhiễm qua thức ăn thừa, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, qua các loại côn trùng và chim hoang dã. Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Ðặc biệt, cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, chủ hộ chăn nuôi thực hiện đúng, đủ nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.  Tuy nhiên, công tác dập dịch, kiểm soát bệnh dịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do chưa nắm bắt chính xác được cơ chế lây nhiễm của bệnh để phòng chống, phần khác là do người dân nhận thức chưa đầy đủ, chủ quan với dịch bệnh, nhiều trường hợp con người là đối tượng trung gian khiến dịch bệnh lây lan.

Ngày 15/3, ổ dịch tả lợn châu Phi thứ 2 được phát hiện tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng). Kết quả kiểm tra, tầm soát bệnh cho thấy, nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh là do trước đó 2 người dân ở bản Cắm (xã Búng Lao) đi thăm người thân ở xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) và mang 2kg thịt lợn sống về nhà làm thức ăn sau đó đổ thức ăn thừa cho lợn khiến đàn lợn bị lây nhiễm. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Ðối với những trường hợp như ở bản Huổi Cắm thì rất khó để cơ quan chuyên môn, các chốt kiểm dịch phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh từ xa. Các biện pháp chuyên môn có thể dập dịch, khoanh vùng, kiểm soát được bệnh dịch tại chỗ nhưng không thể kiểm soát được các đối tượng trung gian gây bệnh.

Thói quen nuôi thả rông của người dân vùng cao là một trong những nguyên nhân khiến công tác dập dịch, phòng dịch khó khăn hơn. Thời gian ủ bệnh của bệnh dịch tả lợn châu Phi từ 5 - 10 ngày, trong thời gian đó, những con lợn mang mầm bệnh nuôi thả rông sẽ truyền bệnh sang những con lợn khỏe mạnh khác khiến dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát. Theo khuyến cáo của cơ quan thú y, trong đàn lợn chỉ có 1 - 2 con nhiễm bệnh nhưng phải tiêu hủy cả đàn. Bởi vì, những con khác có thể đang trong thời gian ủ bệnh hoặc virut dịch tả lợn châu Phi đã ký sinh trùng trên cá thể lợn cùng đàn, nếu người dân nuôi thả rông sẽ khiến nguồn bệnh lây lan sang đàn khác dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, người dân nên nuôi nhốt và vệ sinh chuồng trại thường xuyên vừa phòng chống dịch bệnh vừa giảm thiệt hại.

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh dịch tả lợn châu Phi rất giống với một số loại bệnh khác như: dịch tả cổ điển, tụ huyết trùng… nên các biện pháp dịch tễ không thể xác định chính xác được lợn có nhiễm dịch tả lợn châu phi hay không. Biện pháp duy nhất là lấy mẫu gửi về Cục Thú y để xét nghiệm. Kinh phí mỗi mẫu xét nghiệm là 522.000 đồng. Theo thống kê của Chi cục Thú y, tỉnh ta gửi mẫu về Cục Thú y xét nghiệm bình quân 5 - 7 mẫu/ngày, chi phí hết 2,6 - 3,6 triệu đồng/ngày. Chi phí xét nghiệm cũng là một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện nay.

Năm 2018, trong chuyến giám sát chuyên đề “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” tại huyện Mường Chà, đoàn giám sát của HÐND tỉnh đến thăm mô hình trang trại lợn quy mô trên 500 con tại thị trấn Mường Chà. Mỗi thành viên trong đoàn được phát một số dụng cụ bảo hộ cơ bản và phải đi qua hệ thống phun thuốc khử trùng rồi mới vào khu vực chăn nuôi. Công tác sàng lọc, kiểm soát dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn rất chặt chẽ, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, vệ sinh khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn. Ngược lại, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy trình chăn nuôi thiếu chặt chẽ, khoa học; công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chưa đảm bảo. Ðặc biệt, ở vùng cao người dân chủ yếu nuôi thả rông. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh, chủ hộ chăn nuôi không thể chủ động trong công tác phòng, chống.

Ðối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy trình, công nghệ chăn nuôi rất khó đảm bảo như các trang trại. Thực tế cho thấy, quy trình chăn nuôi, sàng lọc dịch bệnh là điểm khác nhau cơ bản ở hai hình thức chăn nuôi này. Do đó, để hạn chế dịch bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần tiêm phòng cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun tiêu độc khử trùng theo định kỳ; không cho vật nuôi ăn thức ăn sống, nhất là chấm dứt nuôi thả rông.


Phạm Trung
Bình luận
Back To Top