Chăn nuôi nhỏ lẻ và nỗi lo dịch bệnh

08:36 - Thứ Tư, 10/04/2019 Lượt xem: 10784 In bài viết

ĐBP - Mặc dù chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhưng đây lại là khu vực hiệu quả kinh tế thấp và dễ gặp rủi ro về dịch bệnh. Quy mô chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên điều kiện phòng dịch, vệ sinh khử trùng còn hạn chế, dẫn đến khó kiểm soát khi dịch bệnh.

 

Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ chiếm phần lớn gây khó khăn trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Theo thống kê, hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt trên 4,7 triệu con; trong đó đàn trâu gần 131 nghìn con, đàn bò hơn 71 nghìn con, đàn lợn 404 nghìn con và đàn gia cầm hơn 4 triệu con. Với đặc thù miền núi, đời sống người dân còn khó khăn, vì vậy chăn nuôi vẫn chủ yếu là mô hình nông hộ nhỏ lẻ; chăn nuôi quy mô trang trại, hợp tác xã chiếm tỷ lệ ít. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 12 trang trại nuôi lợn; 11 trang trại gia cầm; 6 trang trại nuôi trâu, bò, dê và một số hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Huyện Ðiện Biên có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có hơn 2 triệu con gia súc, gia cầm. Ông Trần Ðình Tửu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ðiện Biên, cho biết: Hàng năm đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh; cách nhận biết triệu chứng khi gia súc, gia cầm bị bệnh; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chữa trị và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Thời gian qua, nhận thức, ý thức phòng bệnh cho vật nuôi của người dân đã được nâng lên song vẫn còn không ít hộ chăn nuôi có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí, khi xảy ra dịch bệnh nhiều hộ còn tư tưởng giấu dịch, tự ý chữa trị mà không khai báo với các cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác dập dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Ðối với địa bàn vùng cao, người dân chưa tuân thủ quy định trong chăn nuôi, hầu hết là nuôi tự phát theo kiểu “thích thì nuôi, không thích thì thôi” với phương thức chính là nuôi thả rông. Do thói quen chăn nuôi thả rông của người dân đã vô tình khiến công tác phòng, chống và dập dịch gặp nhiều khó khăn, bởi đàn lợn thường di chuyển nhiều nơi, nhiều ngày, nếu lợn mang mầm bệnh sẽ rất khó kiểm soát. Vì vậy công tác phun phòng dịch bệnh, nhất là khoanh vùng dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 4/4, huyện Ðiện Biên Ðông công bố dịch tả lợn châu Phi tại xã Pú Nhi. Cả ngày 5/4, lực lượng chuyên môn mới quây bắt, tiêu hủy được hơn 10 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại 2 bản Phù Lồng A, Phù Lồng C xã Pú Nhi. Ðêm 5/4, cán bộ thú y, nông nghiệp huyện đã ở lại bản để tuyên truyền, giải thích cho người dân về mức độ lây lan dịch bệnh do đàn lợn thả rông; từ đó vận động người dân, nếu đàn lợn về nhà cần tìm cách quây, nhốt để phục vụ công tác kiểm tra, tiêu hủy. Nhờ vậy, đến hết ngày 6/4, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tiêu hủy được 77 con lợn mắc dịch. Mặc dù đã kịp thời phun phòng, tiêu hủy, lập chốt kiểm dịch… tuy nhiên do vẫn còn nhiều lợn thả rông nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Hiện nay, ngoài bản Phù Lồng A, Phù Lồng C, xã Pú Nhi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi thì một số bản khác cũng đã xuất hiện lợn chết chưa rõ nguyên nhân, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đi kiểm tra, xét nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Hằng, phụ trách phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, chăn nuôi được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển nông nghiệp. Ðể tăng cường chất lượng, cũng như giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi và đặc biệt hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích người chăn nuôi thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hiện nay quá trình chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, khoa học, hàng hóa gặp không ít trở ngại, như: Khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật của người dân còn hạn chế; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi còn khó khăn, nhiều chương trình vẫn dừng ở mô hình, nên khả năng nhân rộng chậm; còn một bộ phận dân cư vùng cao không muốn thay đổi tư duy, cách thức trong sản xuất, chăn nuôi. Thực tế thời gian qua đã chứng minh việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao; hiệu quả trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, tập trung theo hình thức trang trại, hợp tác xã, như: Công ty TNHH Công nghệ xanh (xây dựng trang trại chăn nuôi dê với quy mô 2.500 con); Doanh nghiệp Thương mại Tư nhân Huy Toan, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Việt Trung (xây dựng trang trại nuôi lợn); Doanh nghiệp Tuấn Doanh Tuần Giáo (nuôi lợn và trồng cây dược liệu)…


Bài, ảnh: Ðạt - Huy
Bình luận
Back To Top