Tăng giá điện - tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dân

08:44 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 11287 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 2 năm giữ mức giá ổn định, từ ngày 20/3 giá điện bán lẻ bình quân điều chỉnh tăng 8,36% theo Quyết định 648/QÐ-BCT, ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Với việc điều chỉnh giá điện tăng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lo ngại tăng gánh nặng chi phí cho sản xuất kinh doanh; người dân cũng lo lắng đời sống bị ảnh hưởng.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên bảo trì máy móc.

Theo Quyết định 648/QÐ-BCT, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng hơn 140 đồng so với mức bình quân năm 2018. Theo đó, biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang. Còn giá bán lẻ cho các ngành sản xuất được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm). Nhiều đơn vị doanh nghiệp ngay khi biết về kế hoạch này đã băn khoăn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vào giờ thấp điểm nhằm bớt chi phí điện năng.

Là một trong những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh, Nhà máy Xi măng Ðiện Biên (Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên) có công suất thiết kế sản lượng 1.300 tấn xi măng/ngày, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 300 cán bộ, công nhân, người lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng. Với dây chuyền sản xuất quy mô, hàng tháng nhà máy tiêu thụ lượng điện lớn, khoảng 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên cho biết: Khi Bộ Công thương điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36%, Công ty rất băn khoăn vì giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào, chi phí sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Hệ thống dây truyền sản xuất xi măng sử dụng nhiều máy móc liên quan đến điện năng. Bởi vậy, hiện nay giá bán xi măng cũng được đơn vị điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn. Ðây là mức giá tăng thấp nhất mà Công ty có thể điều chỉnh, thấp hơn mức tăng so với nhiều sản phẩm xi măng khác trên cả nước trong bối cảnh giá điện tăng như hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp sẽ đưa ra các giải pháp để hạn chế thấp nhất tác động của giá điện mới, đặc biệt là giải pháp tiết kiệm điện năng để bù chi phí giá điện.

Việc tăng giá điện không chỉ tác động đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Giá bán lẻ điện sinh hoạt chia 6 bậc thang, với mức giá chưa bao gồm VAT, tạm tính đối với khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng; mức 400 kwh sẽ phải trả thêm 77.000 đồng. Với cách tính lũy tiến này thì nhiều hộ gia đình dự đoán chi phí cho tiền điện sẽ tăng cao. Chị An Thị Diệu Hương, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) tỏ ra lo lắng khi biết giá điện tăng: “Gia đình tôi thuê trọ nên hàng tháng đã phải đóng tiền điện cao hơn giá điện sinh hoạt. Giờ điện tiếp tục tăng giá, những người lao động có thu nhập thấp như tôi sẽ thêm gánh nặng chi phí sinh hoạt”. Chị Nguyễn Thị Linh, phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ cũng cho biết: Mặc dù, gia đình tôi sử dụng nhiều thiết bị có chức năng tiết kiệm điện trong sinh hoạt song bình quân vẫn phải trả tiền điện khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với mức tăng giá điện mới thì gia đình tôi sẽ phải trả thêm từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng nữa.

Trong ngày 20/3, sau khi có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện của Bộ Công thương, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã thực hiện chốt chỉ số toàn bộ công tơ mua bán điện (trừ các công tơ bán lẻ điện sinh hoạt) để phục vụ việc tính toán hóa đơn tiền điện theo giá bán điện mới.

Ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên khẳng định: Tăng giá điện là hoạt động cần thiết nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia khi giá điện trong nước đang thấp hơn so với khu vực và thế giới. Mức tăng này đã được Chính phủ lựa chọn để đảm bảo CPI tăng vừa đủ, không ảnh hưởng đến mức tạo ra khó khăn đột biến với nền kinh tế. Cụ thể là giá điện của Việt Nam thấp hơn so với nước Bỉ, Ðức 300 lần và trong khu vực thấp hơn giá điện của Philippines, Campuchia 58%; thấp hơn giá điện của Lào và Trung Quốc 8%. Với giá điện thấp như vậy thì thu nhập của ngành điện không đủ để tái đầu tư và mở rộng quy mô cũng như khó có thể kêu gọi đầu tư khi mà nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới rất cao. Ðể khách hàng nắm rõ thông tin về việc tăng giá, sớm có phương án triển khai các giải pháp tiết kiệm điện năng, Công ty đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin tới doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc tăng giá điện là cần thiết song đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, khách hàng sử dụng điện cần nâng cao ý thức tiết kiệm để giảm chi phí về điện. Ðồng thời, có phương án đầu tư nguồn điện từ năng lượng tự nhiên, năng lượng mặt trời... nhằm hỗ trợ chi phí một cách bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất cũng cần đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiêu hao điện năng, từ đó hạn chế thấp nhất việc tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top