Phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng

08:46 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 12198 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh ta bước đầu đạt kết quả tích cực: Các liên kết chuỗi sản xuất được hình thành; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và quảng bá một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh… Song vẫn còn rất hạn chế với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Còn nếu so với một số tỉnh trong khu vực, thì nông nghiệp tỉnh ta còn thua kém nhiều.

 

Sản phẩm nông nghiệp an toàn của huyện Quỳnh Nhai được trưng bày, giới thiệu và bán tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn của huyện.

Thành công của Sơn La

Những năm gần đây, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đạt những thành tựu nông nghiệp vượt bậc, được đánh giá là “làn gió mới” trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Trong chuyến công tác tại Sơn La cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan Trung tâm Giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn của huyện Quỳnh Nhai. Các sản phẩm như: chanh leo, dứa, táo, cá tầm, cá lăng, trắm đen, trắm giòn và các sản phẩm chế xuất từ thủy sản… đều là thành quả của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được sản xuất theo chuỗi liên kết; có dán tem truy xuất nguồn gốc và đều có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Trong vai “thuyết minh viên”, ông Ðặng Ngọc Hậu, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết: Những năm gần đây, huyện Quỳnh Nhai đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cá sông Ðà. Huyện cũng chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi diện tích và cải tạo vườn tạp, đất nương kém hiệu quả, kết hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Mới đây sản phẩm chanh leo Quỳnh Nhai đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực là một trong những đơn vị đi đầu về nuôi cá lồng VietGAP của huyện Quỳnh Nhai với 240 lồng cá tại khu vực chân cầu Pá Uôn. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Ðược thành lập năm 2011 gồm 7 thành viên với ngành nghề chủ yếu là vận tải, thu mua nông sản; năm 2015, Hợp tác xã chuyển hướng sang nuôi cá lồng ở lòng hồ Sông Ðà. Cuối năm 2016, đơn vị được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; lợi nhuận đạt 21,5 triệu đồng/lồng. Sản phẩm của hợp tác xã đã được tiêu thụ tại các tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu, TP. Hà Nội, Hải Phòng... Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ như: UBND huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng cá; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục tiêu chuẩn VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

Ðược biết, năm 2018 tỉnh Sơn La có 57.439ha cây ăn quả, 18.507ha cà phê, 4.816ha chè, 9.451ha mía. Tỉnh hỗ trợ tiêu thụ 256.000 tấn quả các loại; giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 115 triệu USD; trong đó xuất khẩu hơn 17.500 tấn quả các loại sang các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Úc, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Trong năm, tỉnh đã thu hút đầu tư và đưa vào sản xuất 10 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 566 hợp tác xã, 4 liên hiệp hợp tác xã; trong đó 62 hợp tác xã nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Ðà với gần 9.400 lồng cá, sản lượng đạt 6.311 tấn, chiếm 88,2% sản lượng cá toàn tỉnh; đến nay Sơn La đã có 15 sản phẩm có thương hiệu.

Kinh nghiệm cho Ðiện Biên

Tỉnh Sơn La có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tiềm năng phát triển nông nghiệp khá tương đồng với tỉnh Ðiện Biên. Do đó, kinh nghiệm thành công trong phát triển nông nghiệp của Sơn La cũng là bài học chúng ta cần quan tâm để lựa chọn các yếu tố phù hợp nhất áp dụng vào điều kiện thực tế tỉnh ta.

Hội Nông dân tỉnh là thành viên thường xuyên trong các chuyến công tác, học tập kinh nghiệm của Sơn La. Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Phải công nhận rằng, 3 năm gần đây, nông nghiệp Sơn La phát triển rất nhanh, đặc biệt là về nông nghiệp công nghệ cao, chế biến tiêu thụ sản phẩm, có nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Qua những chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn, tôi nhận thấy tỉnh Sơn La rất chú trọng phát triển cây trồng chủ lực; chú trọng kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp rất tốt… Sơn La không thực hiện chính sách hỗ trợ cây, con giống mà chỉ tập trung hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Khi thị trường trong nước dần bão hòa, tỉnh Sơn La mạnh dạn mở hướng xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập riêng 1 tổ công tác đi học hỏi công nghệ, tìm hiểu thị trường ở nước ngoài sau đó về áp dụng thực tế địa phương. Sơn La còn có chính sách trợ giá 1.000 đồng/1 sản phẩm xuất khẩu. Khi đầu ra ổn định, dây chuyền công nghệ hiện đại, nông dân muốn bán được sản phẩm bắt buộc phải thay đổi cách sản xuất, tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, nâng cao trình độ sản xuất, thâm canh của người dân.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp của các huyện: Quỳnh Nhai, Mai Sơn hay Mộc Châu ở Sơn La cũng cho thấy những khó khăn, bất cập trong phát triển nông nghiệp của Ðiện Biên. Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị đã được tỉnh ta triển khai thực hiện từ 5 - 7 năm trước; khởi đầu là những mô hình VietGAP trồng rau an toàn ở huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo, TP. Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, “sau mô hình là biến hình”, khi kết thúc mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, người dân lại quay về hình thức sản xuất cũ. Lý do được đưa ra là công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm kém, không có thị trường tiêu thụ. Những năm gần đây, Ðiện Biên đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm như lúa gạo, chè, cà phê. Doanh nghiệp đầu tư theo quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm đều được thực hiện bài bản. Bước đầu tạo được uy tín và thị trường cho các sản phẩm: Gạo Ðiện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng. Song vấn đề hạn chế là thiếu vùng nguyên liệu. Ðơn cử như vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm gạo Ðiện Biên chỉ tối đa được 50 - 70ha/dây chuyền công nghệ. Chính quyền các cấp, nhà doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp, chính sách phù hợp để người dân yên tâm bắt tay cùng doanh nghiệp sản xuất để 2 bên cùng có lợi.

Có thể thấy, dù vẫn có sự chênh lệch mang yếu tố khách quan mà tỉnh ta rất khó phủ lấp như về vị trí (Sơn La vẫn gần thị trường tiêu thụ miền xuôi hơn) nhưng không thể phủ nhận rằng: Phát triển nông nghiệp của tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng!

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top