Cần thiết xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp

09:20 - Thứ Sáu, 12/04/2019 Lượt xem: 11516 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa, gạo tám Ðiện Biên... Dù thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân, song việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vẫn còn những hạn chế.

 

Hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Người dân huyện Mường Chà thu hoạch dứa.

Thực tế cho thấy, hiện nay người tiêu dùng luôn đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng, vì lẽ đó việc xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có sản phẩm gạo tám Ðiện Biên đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý và nếp tan Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Ai cũng biết dứa Mường Chà vừa ngọt, vừa thơm có tiếng trong những năm gần đây, nhưng đến nay sản phẩm dứa Mường Chà cũng chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể riêng để tạo thương hiệu cho sản phẩm. Ðể nâng cao giá trị cạnh tranh giúp dứa Mường Chà vươn ra thị trường lớn, huyện Mường Chà đã hướng người dân trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; song quy mô vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Theo ông Ðào Trọng Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà: Hiện nay, huyện Mường Chà có hơn 170ha trồng dứa, với năng suất khoảng 15 tấn/ha, nhưng hầu hết đều là sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tuy nhiên năng lực hoạt động, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu nên rất khó xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý...

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Bởi theo nhu cầu của thị trường hiện nay, sản phẩm muốn có chỗ đứng bền vững ngoài thị trường phải có thương hiệu rõ ràng, để người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Muốn bảo vệ danh tiếng của đặc sản, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo và để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, nhận biết, sản phẩm nông nghiệp phải có thương hiệu, nguồn gốc gắn liền với một địa danh nhất định. Vì vậy, sản phẩm cần được đăng ký sở hữu trí tuệ dưới một hình thức pháp lý nhất định. Tuy nhiên, hiện nay quy mô sản xuất các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, nên gặp nhiều khó khăn trong kinh phí đầu tư về việc truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, mác, bao bì... Vì nguồn lực đầu tư, cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cơ sở sản xuất hạn chế nên họ chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến việc giữ thương hiệu và đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Bên cạnh đó, do người dân quen với tập quán canh tác cũ, bởi vậy để thay đổi nhận thức canh tác, sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn cũng rất khó. Trong khi, khâu quảng bá sản phẩm còn hạn chế, chưa được tổ chức bài bản, có hệ thống nên thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được nhiều người biết đến. Dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng dự án mở rộng liên kết sản xuất và quảng bá; hướng dẫn cấp chứng nhận giấy an toàn thực phẩm… Song đến nay mới xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho gạo tám Ðiện Biên và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho nếp tan Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông). Vì vậy, để phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Ðiện Biên, thời gian tới ngành Nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm đến cải tiến chất lượng, áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm. Ðồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối phân phối của các địa phương khác để đưa sản phẩm địa phương phát triển rộng rãi ngoài thị trường; xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc để khẳng định nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm. Hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo ra năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, mỗi người dân, cơ sở sản xuất cũng cần nâng cao ý thức, tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất để nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm; hướng tới việc đưa thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà vươn xa hơn ở các thị trường tiêu thụ tiềm năng và có thể hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top