Chắp cánh khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo

09:12 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 10428 In bài viết

ĐBP - Không có việc làm ổn định, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu nguồn vốn phát triển kinh tế… là những khó khăn mà nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Mường Chà phải đối mặt, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Chà đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, vay vốn… giúp chị em từng bước cải thiện cuộc sống.

 

Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ huyện Mường Chà mạnh dạn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Xác định nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN Mường Chà triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình ủy thác cho vay vốn đối với hội viên nghèo. Với thủ tục đơn giản, linh hoạt, quy trình tín dụng đảm bảo đúng quy định, hội viên phụ nữ có nhu cầu vay vốn được tư vấn lựa chọn sản phẩm vốn vay phù hợp với điều kiện, khả năng hoàn trả của từng gia đình. Thời gian qua, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) huyện đã giúp nhiều hội viên phụ nữ huyện Mường Chà phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay Hội LHPN huyện đang quản lý 42 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1.100 thành viên, dư nợ trên 54,5 tỷ đồng.

Chị Quàng Thị Mai ở thị trấn Mường Chà là một điển hình về sử dụng đồng vốn hiệu quả. Sau khi được vay vốn từ NHCSXH huyện thông qua kênh hội phụ nữ, chị Mai đầu tư nuôi lợn thịt. Mất 2 năm vất vả, nhận thấy nếu mua lợn giống ở xa về nuôi thì rất khó kiểm soát được dịch bệnh, con giống không đồng đều, khó phát triển đàn nên chị Mai quyết định nuôi lợn nái sinh sản. Nhờ chịu thương, chịu khó nên chỉ sau vài năm, mô hình nuôi lợn nái sinh sản của gia đình chị duy trì ổn định từ 20 - 30 con lợn nái, mỗi năm sinh sản từ 100 - 150 con lợn giống, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/năm. Chị Mai còn kết hợp nuôi thêm gà, vịt, bò và một ao cá rộng trên 500m2; chị nấu rượu để bán, bỗng rượu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ðể việc chăn nuôi của gia đình không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, chị Mai xây bể biogas tạo chất đốt, tiết kiệm 100% chi phí tiền gas, củi.

Hội LHPN Mường Chà hiện có hơn 6.300 hội viên, sinh hoạt ở 124 chi hội, trong đó gần 4.000 hội viên thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Nguyên nhân hầu hết phụ nữ nghèo không chỉ do thiếu vốn mà còn thiếu kinh nghiệm làm kinh tế. Vì vậy, ngoài tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã vận động, hướng dẫn hội viên đổi mới tư duy trong lao động, sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất, ngày công, con giống. Năm 2018, các cấp hội đã huy động được gần 660 ngày công, trên 340 con giống các loại để hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi; vận động cho vay tiền mặt, thóc, gạo không lấy lãi… Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất của hội viên được duy trì và ngày càng phát triển như: Trồng dứa tại xã Sa Lông, Na Sang; trồng dong riềng tại xã Nậm Nèn; nuôi thả cánh kiến đỏ tại xã Huổi Lèng…

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà cho biết: Với nhiều hoạt động đa dạng nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 2018 toàn huyện đã có 364 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Mặc dù còn nhiều khó khăn song thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng, tiến bộ và phát triển của phụ nữ.


Bài, ảnh: Ðức Huy
Bình luận
Back To Top