Lúng túng phát triển thương mại điện tử

09:15 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 10045 In bài viết

ĐBP - Thương mại điện tử (TMÐT) đã trở thành xu hướng toàn cầu. Ở nước ta, thị trường bán lẻ trực tuyến nói riêng hay TMÐT nói chung đã có sự phát triển vượt bậc: Doanh thu năm 2018 đạt 6,2 tỷ đô la, tăng 24% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều về kiến thức, nhận thức, kỹ năng về công nghệ như TMÐT, yêu cầu đặt ra là công tác quản lý, nhất là tại những địa bàn vùng cao, miền núi mà người tiêu dùng còn tương đối “mơ hồ” về TMÐT như ở tỉnh ta.

Trước hết, về bản chất TMÐT là thị trường trực tuyến được sinh ra bởi những hoạt động kinh doanh đã được quản lý, điều này đồng nghĩa với việc không phải bất cứ hoạt động kinh doanh trên mạng nào cũng là TMÐT. Tại một số quốc gia phát triển đã ban hành luật quy định cụ thể đối với từng hình thức kinh doanh trực tuyến như: Luật TMÐT, Luật Bán hàng từ xa, Luật Chữ ký điện tử, Luật Tiền điện tử… Ở nước ta, mặc dù một số quy định về TMÐT đã được xây dựng từ khá sớm (giữa thập niên 2000), tiếp đó là Nghị định số 52/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động của TMÐT nhưng vẫn xuất hiện những mô hình lợi dụng danh nghĩa TMÐT gây tác động xấu tới xã hội. Nguyên nhân bởi công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMÐT mới liên tục xuất hiện. Các giao dịch, dịch vụ không chỉ giới hạn ở mô hình phổ biến là website cung cấp dịch vụ TMÐT như trước đây và cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà là xuyên biên giới; đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động. Ðây là thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí giả mạo các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo, gây thiệt hại kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, nhằm quản lý, phát triển TMÐT trên địa bàn tỉnh, vừa qua Sở Công Thương đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMÐT giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỉnh ta đã đạt mục tiêu 100% cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích và cập nhật kiến thức về TMÐT. Tuy nhiên, việc đào tạo kiến thức ngắn hạn về TMÐT chỉ đạt 20,2%, dự kiến là 50% khi hết giai đoạn. Công tác xây dựng kết cấu, hạ tầng TMÐT cũng được đẩy mạnh với các hình thức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Ðến nay đã có 10 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website TMÐT theo quy chuẩn tiếng Anh và tiếng Việt, tổng kinh phí 250 triệu đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMÐT được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức: Báo in, báo điện tử, truyền thanh - truyền hình và các sự kiện thương mại… Trong giai đoạn đầu (2016-2020), ngành chuyên môn đã tổ chức rà soát, thống kê tình hình ứng dụng TMÐT của 250 đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các hoạt động phát triển sản phẩm, giải pháp TMÐT với công tác phổ biến lợi ích của chữ ký số, ứng dụng chuẩn trao đổi điện tử trong kinh doanh, công nghệ bảo mật, phần mềm thanh toán trực tuyến… Ngành Công Thương cũng đã bố trí kinh phí 30 triệu đồng cho 15 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số nhưng hiện nay chưa triển khai được do không có doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Mặc dù đã có định hướng cụ thể về thị trường TMÐT trên địa bàn tỉnh nhưng theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ việc ứng dụng TMÐT trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn nhân lực cũng là một hạn chế và trên địa bàn chưa có trường đào tạo về TMÐT. Chính sách đãi ngộ cũng là một rào cản khi chưa có nguồn lực hỗ trợ cho đội ngũ nhân lực TMÐT trong cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp. Ðặc biệt, nguồn lực tài chính triển khai các nội dung hạ tầng TMÐT còn rất hạn chế khi 4/5 mục tiêu chưa được tổ chức, triển khai do thiếu kinh phí.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top