Quài Cang chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng mắc ca

09:03 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 11178 In bài viết

ĐBP - Hơn 2 năm qua, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển bền vững. Xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên nương, những nơi đất trống, đồi trọc sang trồng cây mắc ca, hiện nay loại cây này đang phát triển tốt.

 

Gia đình ông Lường Văn Chiến bản Kệt, góp 1ha đất đồi và đất nương trồng ngô sắn kém hiệu quả cho Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên trồng mắc ca, hiện mắc ca đang phát triển tốt.

Ông Quàng Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho biết: Chủ trương đúng, mong muốn nguyện vọng người dân được quan tâm, tạo ra sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập bằng chuyển đổi cây trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nhiều năm trước đây, bà con xã Quài Cang trồng ngô, sắn trên nương, phụ thuộc vào thiên nhiên; đất nương độ dốc cao nhanh bạc màu, lại bị thú rừng phá hoại nên năm được, năm kém, năm mất trắng;  thu nhập của nông dân không được cải thiện. Ðược sự đồng ý của huyện, năm 2017, cấp ủy, chính quyền xã Quài Cang lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên nương sang trồng cây công nghiệp lâu năm, đó là cây mắc ca. Lúc đầu, nhiều hộ dân không tin tưởng, không ủng hộ vì trước đó có nhiều hộ tại một số thôn bản đã thất bại với trồng một số loại cây trồng lâu năm khác. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả công ty, chính quyền cơ sở nên bà con đã dần đồng thuận, hưởng ứng. Theo hợp đồng cam kết giữa Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên và hộ dân, nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, công làm cỏ. Theo đó, 1ha đất được trả 1 triệu đồng/năm, doanh nghiệp sẽ trả trong 5 năm. Khi thu hoạch mắc ca, người dân góp đất được hưởng 15% lợi nhuận sản phẩm. Người dân góp đất được ưu tiên tuyển dụng làm công nhân, hoặc làm thuê theo thời vụ trong việc làm cỏ, bón phân, bảo vệ mắc ca cho Công ty. Hơn 1 năm qua, toàn xã trồng được 800ha mắc ca, tập trung tại các bản: Phủ, Phung, Kệt, Sái, Cá..., hiện loại cây này đang phát triển tốt.

Gia đình ông Lường Văn Chiến, bản Kệt góp 1ha đất trồng mắc ca cho biết: Ðất nương của gia đình tôi nhiều năm nay bỏ hoang do nghèo dinh dưỡng, độ dốc cao, trồng ngô sắn không phát triển. Tham gia góp đất với doanh nghiệp trồng cây mắc ca sẽ phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái lại được chia lợi nhuận khi cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình sẽ được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi cây mắc ca phát triển cao, có độ che phủ như rừng. Anh Tòng Văn Hòa, bản Hán tâm sự: Gia đình tôi góp 5.000m2 đất trồng mắc ca, nhưng tôi không mất việc làm, được Công ty tuyển dụng làm công nhân với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Trước đó, đất đồi nhà tôi trồng ngô, sắn kém năng suất, thu nhập thấp. Tôi thấy góp đất với Công ty có lợi hơn so với trồng ngô, sắn.

Mạnh dạn hợp tác đầu tư giữa nhà nông với doanh nghiệp, chuyển đổi cây trồng trên nương kém hiệu quả, phủ xanh đất hoang, đồi trọc, nâng độ che phủ rừng bằng trồng cây mắc ca; xã Quài Cang đang thực hiện mục tiêu sản xuất cây trồng theo hướng hàng hóa, theo nhu cầu thị trường. Ðẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân học cách làm hay, mô hình mới hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Triệu Mai
Bình luận
Back To Top