Trồng rừng phòng hộ năm 2019

Khó trồng vì chậm vốn

08:45 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12024 In bài viết
ĐBP - Năm 2019, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương trồng mới 120ha rừng phòng hộ. Thời điểm này, niên vụ trồng rừng mới đã bắt đầu (từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm). Tuy nhiên, có huyện khẳng định không thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2019, một số huyện thì vừa làm vừa thăm dò. Nguyên nhân được xác định là do nguồn vốn chậm phân bổ, các huyện không có cơ sở để triển khai thực hiện.

Theo Quyết định số 1168/QÐ-UBND, ngày 10/12/2018 về giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2019, toàn tỉnh được giao trồng mới 120ha rừng phòng hộ. Trong đó: Huyện Ðiện Biên 10ha, Tuần Giáo 50ha, Mường Chà 30ha và Mường Ảng 30ha. Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay các địa phương, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng và tổ chức khảo sát, đo đạc thiết kế được 60/120ha (trong đó: huyện Ðiện Biên 10ha, Tuần Giáo 20ha và Mường Ảng 30ha).

 

Người dân bản Phăng 2, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) trồng rừng phòng hộ năm 2018.

Bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Sở dĩ công tác chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2019 chưa đạt 100% là do nguồn vốn chưa được phân bổ, các địa phương chưa có cơ sở để thực hiện. Thiếu vốn trồng rừng hoặc nguồn vốn phân bổ chậm đã diễn ra nhiều năm nay là nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch trồng rừng hàng năm không đạt. Ðiển hình như năm 2018, đến mùa trồng rừng nhưng chưa được bố trí vốn nên kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2018 không đạt (67% kế hoạch giao), diện tích đã nghiệm thu 131,78ha. Ðiều đáng nói là 100% diện tích rừng trồng mới đã nghiệm thu đến nay vẫn chưa được thanh toán. Tình hình năm 2019 không mấy khả quan hơn. Theo Quyết định số 2118/QÐ-BKHÐT, ngày 31/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước năm 2019, các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện thuộc chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Ðiện Biên năm 2019 không được bố trí vốn. Vì vậy, hiện tại kế hoạch trồng 120ha rừng phòng hộ của tỉnh chưa triển khai thực hiện. Ðể tháo gỡ khó khăn, ngày 21/2/2019, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 433/TTr-UBND về việc đề nghị bổ sung vốn để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019 gửi các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Song đến nay tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến phúc đáp.

Năm 2019, huyện Tuần Giáo được giao chỉ tiêu trồng mới 50ha rừng phòng hộ. UBND huyện giao Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo là đơn vị chủ đầu tư các dự án trồng rừng. Song Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo không triển khai kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2019 vì không được bố trí vốn.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Năm 2018, huyện Tuần Giáo được giao chỉ tiêu trồng 70ha rừng phòng hộ. Kết thúc mùa trồng rừng, toàn huyện thực hiện được 73,1ha nhưng đến nay, toàn bộ khối lượng trên vẫn chưa được UBND tỉnh bố trí vốn để thanh toán. Chủ đầu tư dự án đang nợ người dân gần 2 tỷ đồng, chưa thể chi trả. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp UBND huyện, các xã nhiều lần kiến nghị về việc chậm chi trả tiền trồng rừng cho người dân. Cũng có nhiều trường hợp người dân lên tận trụ sở của Ban để kiến nghị chi trả. Kế hoạch trồng rừng năm 2019 không được bố trí vốn nên Ban quyết định không triển khai thực hiện các dự án trồng rừng phòng hộ. Thực tế, do hệ lụy từ năm 2018 nên nếu năm nay có triển khai thì cũng rất khó vận động người dân tham gia trồng rừng. Không những thế, hiện nay những diện tích rừng trồng năm 2018, theo đúng quy trình đang là giai đoạn chăm sóc năm thứ 2 nhưng người dân bỏ bê, không quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Năm nay, Ban chỉ tập trung thực hiện các dự án trồng rừng thay thế các dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất. Bởi vì, các dự án này sẵn nguồn vốn, hoàn tất nghiệm thu là có tiền chi trả cho người dân.

Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cho biết: Năm 2018, thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ, nhiều hộ dân đã trồng rừng trên đất nương bạc màu. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn chưa được thanh toán tiền trồng rừng theo đúng cam kết nên các diện tích rừng trồng không được người dân chăm sóc, bảo vệ.

Tương tự huyện Tuần Giáo, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cũng đang nợ người dân gần 1 tỷ đồng chi phí trồng 30ha rừng phòng hộ năm 2018. Năm 2019, huyện Mường Chà tiếp tục được giao chỉ tiêu trồng mới 30ha rừng phòng hộ; dự kiến trồng tập trung tại xã Sa Lông. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Năm nay, quyết định của UBND tỉnh giao khối lượng từ đầu năm nhưng chưa giao vốn. Ðến nay đơn vị mới triển khai công tác tuyên truyền, vận động; rà soát các diện tích có thể đưa vào trồng rừng phòng hộ. Ðợi khi nguồn vốn được bố trí, Ban mới triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top