Ðổi thay trên vùng quê cách mạng

15:27 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12268 In bài viết
ĐBP - 70 năm trước, Ban cán sự Ðảng Lai Châu (tiền thân của Ðảng bộ 2 tỉnh: Ðiện Biên và Lai Châu) được thành lập tại bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên). Từ vùng quê cách mạng gian khó, sau 7 thập kỷ, nhân dân bản Lướt đã chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn xây dựng quê hương ngày càng trù phú. Cuộc sống mới ấm no đang hiển hiện trong từng nếp nhà, lối nghĩ, cách làm của mỗi người dân bản Lướt hôm nay.

 

Ðường vào bản Lướt đã được mở rộng và bê tông hóa kiên cố, khang trang.

Thế hệ trước tiếp sức cách mạng

Qua lời kể của các già làng ở bản Lướt, tháng 2/1947, bộ đội về bản lập căn cứ, hoạt động cách mạng bí mật. Một lòng tin tưởng vào cách mạng, lòng căm thù giặc sục sôi, dân bản đã đoàn kết che giấu, mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho cán bộ; một số khác tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng. Những nhân chứng lịch sử như: Cụ Sậu, cụ Chăm, cụ Xương... đều đã mất song đối với người dân bản Lướt, những năm tháng nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng là niềm tự hào và ký ức về một thời vẻ vang ấy luôn được bà con gìn giữ, lưu truyền qua từng thế hệ.

Năm nay đã 79 tuổi nhưng trong ký ức của ông Lù Văn Tú (con trai cụ Lù Văn Xương) thì tuổi thơ của ông gắn liền với những buổi cùng bố đi đưa cơm, tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Ông Tú kể: “Thời điểm mới về bản, bộ đội xây dựng căn cứ ở quả đồi đối diện, về sau để tiện hoạt động nên di chuyển về quả đồi phía sau bản Lướt. Lúc ấy, tôi khoảng 8 - 9 tuổi. Hầu như ngày nào tôi cũng theo bố, ngược con suối phía sau bản đi vào rừng, nói là đi săn thú nhưng thực chất là đi đưa cơm, tiếp tế cho cán bộ. Bữa cơm hàng ngày chỉ có ngô, khoai trộn với ít cơm, vài con cá suối, hôm nào khá hơn thì có ít thịt thú rừng. Gần khu căn cứ có 1 mó nước lớn, bên dưới là 1 hồ nước - nơi thú rừng thường tập trung về uống nước. Bộ đội làm 1 cái máng dẫn nước từ mó chảy xuống hồ nước bên dưới. Khi máng nước ngừng chảy là ám hiệu thời điểm an toàn để đưa cơm. Theo bố đi tiếp tế cho cán bộ cách mạng nhưng mãi về sau tôi mới biết, vì lúc đó còn bé và khi đi bố tôi cũng chỉ bảo đi săn con nai, con hoẵng. Mỗi lần đi về như thế bố tôi dặn không được kể cho ai biết nếu không giặc Pháp sẽ giết cả nhà. Giác ngộ cách mạng, một số thanh niên trong bản thời bấy giờ đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng như: Lò Văn Chài, Lò Văn Lanh, Lò Văn Yêu...”.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lò Văn Oan (con trai cụ Lò Văn Chài), ông Oan cho biết: “Thời bố tôi còn sống, ông thường kể cho con cháu nghe về thời kỳ tham gia đội du kích. Nhiệm vụ của đội là tích cực bám dân, bám cơ sở, phát động phong trào, gây dựng nhiều cơ sở cách mạng. Ðồng thời tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thời đó, bố tôi còn được bộ đội phát cho 1 khẩu súng. Sau khi hòa bình, ghi nhận công lao, thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bố tôi được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen”.

Sau những tháng ngày gây dựng cơ sở cách mạng và được sự giúp đỡ của người dân bản Lướt, ngày 10/10/1949, tại bản Lướt, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 ra Nghị quyết thành lập Ban Cán sự Ðảng Lai Châu, gồm 3 ủy viên, đồng chí Nguyễn Bá Lạc (tức Trần Quốc Mạnh) được chỉ định làm Trưởng ban. Việc ra đời Ban Cán sự Ðảng Lai Châu đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thế hệ sau nối sức dựng xây

Nằm bên quốc lộ 32, cách trung tâm huyện Than Uyên khoảng 5km, bản Lướt chào đón khách bằng cổng chào bề thế với dòng chữ đỏ trang trọng: “Thôn Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên - nơi thành lập Ban cán sự, Chi bộ Ðảng đầu tiên, Ðảng bộ tỉnh Lai Châu”. Phía sau cổng chào, đường vào bản đã được bê tông hóa phẳng lỳ, hai bên đường là hàng cây hoa ban. Anh Tòng Quý Văn, Trưởng bản Lướt cho biết: Bản Lướt có 178 hộ dân, gồm 2 dân tộc sinh sống (dân tộc Thái có 176 hộ và 2 hộ dân tộc Mông). Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn bản Lướt dần “thay da đổi thịt”. Trước đây, từ quốc lộ 32 vào bản và đường nội bản 100% là đường đất, mùa mưa bùn ngập mắt cá chân. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường nội bản được mở rộng và bê tông hóa. Nhà văn hóa bản được đầu tư xây dựng cho dân bản sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân bản Lướt chăm chỉ, chịu khó lao động, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ðến nay, 100% hộ có xe máy, một số hộ đã sắm được ô tô; gần 90% hộ có nhà kiên cố; 100% học sinh đến trường đúng độ tuổi; bản có 14 sinh viên đang học tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước; bản không tệ nạn xã hội; sản lượng lương thực bình quân đạt 450kg/người/năm; hiện nay bản còn 32 hộ nghèo. Năm 2019, bản Lướt phấn đấu xóa 100% nhà tạm, dột nát; giảm thêm 10 hộ nghèo.

Người dân bản Lướt chủ yếu vẫn làm nông nghiệp, sản xuất thâm canh lúa 2 vụ trên cánh đồng Than Uyên. Cả bản có 50ha lúa 2 vụ, cơ giới hóa trong sản xuất đạt 80%, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha. Những năm gần đây, để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, người dân bản Lướt đã xây dựng các mô hình VAC, làm công nhân tại các khu công nghiệp. Năm 2018, bản có 12 hộ sản xuất kinh doanh giỏi được UBND huyện Than Uyên tặng Giấy khen.

Chúng tôi cùng Trưởng bản Tòng Quý Văn đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Soi Văn Hạnh. Trên đường đi, anh Văn kể: Gia đình anh Hạnh trước đây cũng khổ lắm. Năm 1990, anh Hạnh lập gia đình, tách hộ, là một trong những hộ nghèo của bản. Sau đó anh Hạnh đăng ký đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2013, anh Hạnh quyết định về quê hương, vay mượn người thân và vay ngân hàng đầu tư xây dựng trang trại theo mô hình VAC. Cuộc sống gia đình anh Hạnh đã đổi thay từ đó.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Soi Văn Hạnh cho biết: Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, gồm: Chăn nuôi 80 con lợn thịt, trồng cây ăn quả, nuôi cá thương phẩm, dịch vụ xay xát và bán hàng tạp hóa. Thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Ðến nay, gia đình anh đã trả hết các khoản nợ.

Cạnh nhà anh Hạnh, gia đình anh Hoàng Văn Lả đang xây ngôi nhà mới. Ðược biết, năm 2018, gia đình anh Lả là 1 trong 22 hộ ở nhà tạm, dột nát. Anh Lả cho biết: Thực hiện mục tiêu của bản năm 2019 xóa 100% nhà tạm, đầu tháng 3, tôi đã sử dụng số tiền tiết kiệm và vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách - xã hội để xây dựng nhà mới, kiên cố.

Bản Lướt hôm nay đã mang diện mạo mới, cuộc sống ấm no hơn. Sắp tới Dự án “Khu di tích lịch sử văn hóa bản Lướt, xã Mường Kim” đang được UBND huyện Than Uyên đầu tư xây dựng sẽ là bước đệm để xây dựng bản Lướt thành bản văn hóa kiểu mẫu của huyện. Khi đó, người dân trong bản có thêm nhiều cơ hội phát triển, xây dựng quê hương xứng đáng với truyền thống cách mạng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top