Duy trì cao độ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

08:21 - Thứ Tư, 08/05/2019 Lượt xem: 11912 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm ngày 3/5/2019, toàn tỉnh có 6 huyện và TP. Ðiện Biên Phủ với 54 xã, phường, thị trấn có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn chết vì bệnh, bị tiêu hủy là 3.494 con (gồm 1.156 con lợn nái và 2.238 con lợn thịt), tổng trọng lượng trên 116,95 tấn lợn.

 

Ðoàn công tác của UBND huyện Tủa Chùa kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa).

Ông Ðỗ Thế Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Sau tháng đầu lây lan với tốc độ nhanh, thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi chỉ lây nhiễm trong nội bộ các thôn, bản, xã thuộc các huyện đã công bố dịch. Bệnh dịch chưa có dấu hiệu lây lan sang các huyện còn lại. Một tháng trở lại đây, bình quân mỗi địa phương có dịch tiêu hủy 5 - 7 con lợn/ngày, ngày nào nhiều khoảng 10 - 15 con. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ dịch bệnh nguy hiểm này đã hạ nhiệt, được kiểm soát và khống chế thành công. Theo thông tin từ các đoàn kiểm tra liên ngành với lực lượng nòng cốt là cán bộ thú y tại các huyện thì dịch bệnh đang có dấu hiệu chuyển sang giai đoạn phức tạp và nguy hiểm hơn. Do đó, cơ quan thú y các cấp đã thông báo với chính quyền địa phương, phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi về tình hình, diễn biến dịch bệnh. Yêu cầu người chăn nuôi tiếp tục duy trì cao độ các phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tuân thủ nghiêm phương châm “5 không, 4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch bệnh. Ðặc biệt là đối với các trang trại chăn nuôi lớn, trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm bởi dịch bệnh, chủ trang trại cần tăng cường hơn nữa công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn lợn, cách ly tuyệt đối với các nguồn trung gian… để hạn chế thấp nhất khả năng dịch bệnh lây nhiễm vào trang trại.

Anh N.V.T, chủ trang trại nuôi 150 con lợn nái và trên 350 con lợn thịt ở phường Him Lam cho biết: Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tôi đã đặc biệt chú trọng đến công tác phòng dịch. Toàn bộ khu vực chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc đều được tiêu độc khử trùng thường xuyên; công tác tiêm phòng thực hiện đầy đủ, đúng lịch. Ðàn lợn cũng được cho ăn với chế độ dinh dưỡng tốt hơn và thường xuyên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng. Mặc dù vậy, đầu tháng 5 vừa qua, trang trại có 1 con lợn nái bị chết, tôi đã thông báo cho cơ quan thú y TP. Ðiện Biên Phủ đến kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Hiện chưa có kết quả, song gia đình tôi rất lo lắng bởi nếu kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì nguy cơ lây lan, mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Ðược biết, Chi cục Thú y đã kiểm tra và làm việc với UBND phường Him Lam về phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ðồng thời thống nhất phương án tiêu hủy lợn nếu dịch xảy ra tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Theo đó, nếu trường hợp xấu xảy ra, UBND phường Him Lam bố trí vị trí tiêu hủy tại bãi rác của phường, thuê máy xúc đào hố đảm bảo tiêu chuẩn để tiêu hủy tập trung tại 1 điểm.

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Tủa Chùa xuất hiện sau nhưng có tốc độ lây lan và mức độ thiệt hại khá lớn. Ðến nay, dịch đã lây lan tại 58 thôn, bản thuộc 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn, với tổng số 759 con lợn bị chết, tiêu hủy. Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa bàn, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các tổ công tác xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và tiêu hủy lợn bị bệnh. Nhìn chung, công tác phòng chống dịch trên địa bàn được triển khai kịp thời, bài bản và nhanh chóng. Tuy nhiên, do là bệnh mới, đến nay chưa xác định được nguồn lây bệnh nên công tác phòng, chống dịch gặp một số khó khăn. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 1 xã duy nhất là Sín Chải chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch. Ðặc biệt chú trọng các khâu: Phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi; không thả rông lợn; đào hố chôn lợn chết phải đúng tiêu chuẩn, kích cỡ; phun thuốc, rắc vôi bột và cắm biển cảnh bảo sau khi chôn… UBND huyện chỉ đạo tổ công tác liên ngành của huyện phối hợp UBND xã Sín Chải tập trung công tác phòng, chống, không để dịch tả lợn châu Phi lây lan vào địa bàn xã.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top