Nguy hại từ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật

09:03 - Thứ Năm, 09/05/2019 Lượt xem: 13714 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trung bình mỗi năm nông dân toàn tỉnh sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thay vì thu gom cẩn thận, nhiều người đã tùy tiện vứt vỏ bao bì thuốc BVTV ra môi trường. Việc làm này đã để lại những hệ lụy xấu, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt… ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chính người sử dụng và cả cộng đồng.

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên, năm 2018 người dân toàn huyện đã sử dụng gần 63 tấn các loại thuốc BVTV; trong đó, thuốc trừ cỏ hơn 19 tấn, thuốc trừ sâu hơn 16 tấn, thuốc trừ bệnh gần 18 tấn, thuốc trừ ốc 8,5 tấn và còn lại là các loại thuốc khác. Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng, quy trình, hướng dẫn là điều rất cần thiết, nhằm tăng khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cho cây trồng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng ngoài sau khi sử dụng xong đã tùy tiện vứt vỏ, bao thuốc BVTV ra thẳng kênh mương, đồng ruộng. Theo lý giải của nhiều người dân, mặc dù biết rõ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là rác thải nguy hại cho môi trường, nguồn nước nhưng vì không có bể chứa nên buộc phải vứt tại ruộng, nương. Anh Lường Văn Hặc, xã Núa Ngam cho biết: Hàng năm gia đình anh ít nhất từ 2 - 4 lần dùng thuốc BVTV để phun phòng bệnh cho cây trồng. Do trên địa bàn xã chưa có bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV nên người dân ở đây ai cũng như ai, sau khi sử dụng xong đều vứt bỏ ngay tại đồng ruộng.

 

Nhiều người dân ở xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) sử dụng xong thuốc BVTV vứt ngay vỏ bao xuống ruộng, kênh mương làm ô nhiễm môi trường.

Huyện Ðiện Biên là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, trong số 25 xã của huyện, chỉ một số xã vùng lòng chảo là có bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV (tổng số 45 bể). Thống kê năm 2018 trên địa bàn huyện còn khoảng 30% vỏ bao thuốc BVTV không được thu gom. Nhiều loại bao bì, vỏ thuốc BVTV chỉ sau trận mưa, trôi theo các dòng kênh, suối, hòa vào nguồn nước. Và người dân lại chính là đối tượng phải gánh chịu hậu quả khi thường xuyên phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối...

Ðối với huyện Ðiện Biên Ðông, mặc dù diện tích lúa, màu không lớn, song hàng năm cũng có đến hàng tấn thuốc BVTV, hóa chất được tiêu thụ, sử dụng. Có mặt tại cánh đồng xã Luân Giói, một trong những “vựa lúa” của huyện Ðiện Biên Ðông, chúng tôi chứng kiến vô số các loại chai lọ, bao bì đựng thuốc BVTV không được thu gom tiêu hủy mà bị vứt bừa bãi trên bờ ruộng, trôi dọc theo mương dẫn nước. Ông Lò Văn Toan, xã Luân Giói cho biết: Lúa của gia đình đang trong thời kỳ làm đòng chuẩn bị trổ bông. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã 3 lần sử dụng thuốc BVTV phun phòng trừ sâu bệnh. Sau khi sử dụng, đều “tiện tay” vứt vỏ bao ngay trên đồng ruộng, bởi nếu có thu gom cũng không biết để đâu. Các hộ nông dân khác trong xã cũng vậy.

Ông Lò Văn Cu, Chủ tịch UBND xã Luân Giói cho biết: Hàng năm, toàn xã sử dụng hàng nghìn lít thuốc BVTV và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã chưa có bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV, vì vậy để đảm bảo môi trường, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt của người dân, xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp tổ chức thu gom vỏ thuốc BVTV sau khi đã sử dụng vào một nơi để chôn lấp.

Cách làm của xã Luân Giói cũng chưa đảm bảo quy định, bởi vỏ chai, bao bì thuốc BVTV là rác thải nguy hại, cần được thu gom và tiêu hủy đúng quy định, không thể tiêu hủy bằng cách đốt hay chôn lấp. Trong vỏ bao thuốc BVTV luôn tồn dư một lượng thuốc nhất định, nên nếu đem đốt vẫn ảnh hưởng đến môi trường, không khí, còn nếu chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mạch ngầm. Ðược biết, hiện nay trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông chưa được đầu tư xây dựng bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, vì vậy sau khi sử dụng đa phần người dân có thói quen vứt bỏ ngoài đồng, trên nương... Trong khi, hầu hết người dân trên địa bàn huyện có thói quen sử dụng nước mó, khe suối để sinh hoạt, ăn uống.

Ông Trần Sỹ Quân, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2018, toàn tỉnh đã sử dụng hơn 164 tấn thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo... Trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 57,82%; thuốc trừ sâu chiếm 21,3%; thuốc trừ bệnh chiếm hơn 17%; còn lại là các loại thuốc khác. Trong khi đó, hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 52 bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV ở 2 huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay. Với 52 bể, trong năm 2018 chỉ thu gom được hơn 1.300kg vỏ thuốc BVTV - con số quá nhỏ so với lượng thuốc BVTV được tiêu thụ trong năm.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV đã qua sử dụng, lượng thuốc còn sót lại không hề nhỏ (gần 2%). Không những vậy, bao bì đựng thuốc BVTV phần lớn là bằng nhựa, ni lông, nên rất khó phân hủy, nếu bị vùi xuống lòng đất, tồn dư thuốc BVTV sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Nếu con người tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm thuốc BVTV sẽ dẫn đến các bệnh, như: rối loạn tim mạch, phổi, thần kinh, các bệnh về máu, da liễu, thậm chí ung thư... Việc bị ảnh hưởng không diễn ra ngày một ngày hai, mà tồn dư các loại thuốc BVTV sẽ tích lũy rồi gây bệnh từ từ. Hiện chưa có khảo sát, đánh giá hay báo cáo nào về tình trạng người dân bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV do sử dụng nguồn nước, nhưng thực tế thời gian gần đây ở các xã vùng cao nhiều người dân phản ánh có dấu hiệu bị ngứa, nổi mụn ở chân tay mỗi khi đi làm ruộng về hay tiếp xúc với nguồn nước ở cạnh những nương ngô, lúa khi mới được phun phòng thuốc BVTV.

Cũng theo ông Quân, để xảy ra tình trạng này bên cạnh ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế thì có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi theo Thông tư liên tịch số 05 ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành trên địa bàn. Theo đó, đối với UBND cấp xã hàng năm phải tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; đồng thời khảo sát các địa điểm xây dựng bể thu gom vỏ thuốc BVTV để báo cáo UBND cấp huyện, trình UBND cấp tỉnh cấp kinh phí đầu tư xây dựng các bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các địa phương chưa chú trọng nhiệm vụ này, mà gần như giao trách nhiệm cho ngành Nông nghiệp.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top