Ðảm bảo vụ lúa đông xuân thắng lợi

08:39 - Thứ Sáu, 10/05/2019 Lượt xem: 11283 In bài viết
ĐBP - Vụ đông xuân năm 2018 - 2019, huyện Ðiện Biên gieo cấy gần 5.100ha lúa; trong đó trà sớm hơn 1.100ha, trà chính vụ hơn 3.300ha và trà muộn gần 550ha; giống lúa chủ yếu là: Bắc thơm số 7, IR64, Hương Việt, Séng cù... Hiện nay, trà sớm đã bắt đầu cho thu hoạch; trà chính vụ đang chín và trà muộn cây lúa đang trong thời kỳ làm đòng. Thời điểm này đang xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại rải rác trên các cánh đồng. Xác định đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng lúa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cùng chính quyền các xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

 

Nông dân huyện Ðiện Biên thu hoạch trà lúa sớm.

Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh xuất hiện gây hại lúa đông xuân, như: Ðạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, tập đoàn rầy, khô vằn, bạc lá vi khuẩn, đốm nâu, chuột… Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên, tính đến hết tháng 4, trà sớm đã thu hoạch được khoảng 23ha. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại trong kỳ là 2.815,2ha, tăng 592ha so với kỳ trước; diện tích nhiễm nặng 285ha. Trong đó, có hơn 146ha lúa bị nhiễm tập đoàn rầy nâu trên cả 3 trà: sớm, chính vụ và muộn; gần 700ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, cổ lá trên trà chính vụ và trà muộn; gần 845ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; bệnh khô vằn gây hại 277ha; còn lại là các bệnh hại khác. Diện tích lúa bị sâu, bệnh tập trung tại các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Yên, Thanh Luông, Noong Luống, Thanh Chăn, Pom Lót, Thanh An, Thanh Nưa... Một số diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu nặng với mật độ trung bình từ 95 - 350 con/m2, có nơi hơn 2.000 con/m2.

Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên cho biết: Qua theo dõi, tình hình dịch bệnh hại lúa vẫn đang tiếp tục gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trên diện tích trà chính vụ và trà muộn; đặc biệt trên những diện tích lúa gieo cấy dày, bón thừa đạm, ruộng trũng... Ðối với sinh vật gây hại như tập đoàn rầy, dự báo sẽ tiếp tục tích lũy số lượng gây hại trên các trà lúa, nguy cơ cháy chòm ổ trên trà chính, chủ yếu trên giống BT 7, Séng cù. Bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục lây lan gây hại diện rộng trên trà chính vụ, hại nặng trên giống Séng cù, thậm chí có thể gây cháy cục bộ theo chòm ổ trên địa bàn xã Thanh Yên, Thanh Chăn. Ðối với bệnh bạc lá vi khuẩn, diễn biến tăng sau các trận mưa to gió lớn trên địa bàn các xã: Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Thanh Yên...

Một trong những nguyên nhân làm xuất hiện bệnh hại là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho các sinh vật, mầm bệnh sinh trưởng và phát triển nhanh; song cũng có một phần do người dân chưa tuân thủ cơ cấu giống đã được ngành chuyên môn đưa ra. Vụ đông xuân 2018 - 2019 cơ cấu giống chung của huyện Ðiện Biên gồm 50 - 55% giống Bắc thơm số 7; 25 - 35% giống IR64 và các giống nếp; các giống khác chiếm 15 - 20%. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích gieo cấy giống Séng cù rất lớn; trong khi giống lúa này rất dễ phát sinh bệnh và khả năng chống chịu các loại bệnh kém.

Ðể đảm bảo năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên đã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, UBND các xã tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh hại; trong đó chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, khuyến nông thường xuyên tăng cường cơ sở, theo dõi, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ. Ðồng thời hướng dẫn người dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên trà chính và trà muộn; đặc biệt là khoanh vùng phun trừ tập đoàn rầy, hạn chế cháy rầy theo chòm ổ... Theo đó, đối với tập đoàn rầy, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con tiến hành phun trừ rầy trên các diện tích có mật độ từ 750 con/m2 trở lên (3 con/dảnh); giai đoạn trước trỗ đòng sử dụng thuốc có cơ chế nội hấp, lưu dẫn như: Chess 50WG, LK set-up 70WG; giai đoạn trỗ và chín cần sử dụng thuốc cơ chế tiếp xúc như: AC Dinosin 500WP, Penalty gold 50EC. Ðối với bệnh khô vằn, cần chủ động phun phòng trừ bằng một số loại thuốc như: Vanicide 3SL, Anvil 5SC... Với bệnh đạo ôn cổ bông thì phun phòng trừ trên trà chính vụ ở những diện tích lúa giai đoạn chín sữa (diện tích gieo cấy cuối của trà chính), sử dụng một trong số các loại thuốc đặc hiệu như: Bankan 600 WP, AC Fubim 800 WP, Filia 525SE, Bumrosai 650WP. Ðặc biệt, khi phun thuốc trên mặt ruộng phải có nước ngập 3 - 5cm, tiến hành phun lại nếu sau khi phun chưa được 4 giờ mà trời mưa.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top