Hỗ trợ vật nuôi cho người nghèo

08:40 - Thứ Sáu, 10/05/2019 Lượt xem: 12124 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi tới xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) vào một ngày cuối tháng 4, thức ăn cho gia súc khá khan hiếm khi những đồng cỏ héo úa bởi thời tiết khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của người chăn nuôi nên thức ăn cho gia súc đã được dự trữ trước đó phần nào khắc phục được tình trạng gia súc thiếu thức ăn như nhiều năm trước. Chị Lường Thị Xiên, bản Ngúa Trong cho biết: Ðược hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cuối năm 2018 lại được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm chuồng nuôi nhốt gia súc nên gia đình phấn khởi lắm. Cán bộ thú y xã cũng hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi; đề phòng khô hạn, rét buốt không thể chăn thả, gia đình chủ động tích trữ rơm, lá ngô và các thức ăn kèm bổ sung nên dù thời tiết khô hạn như đợt này nhưng vật nuôi vẫn đảm bảo thức ăn. Chăm bẵm cẩn thận vật nuôi, chị Xiên cũng như hàng trăm hộ được nhận bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các địa phương trong huyện mong sớm có bê để tăng đàn, thêm thu nhập.

 

Nông dân thị trấn Tuần Giáo chăm sóc đàn gia súc.

Ông Cà Văn Lả, Chủ tịch UBND xã Quài Tở khẳng định: Việc hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng từ nguồn vốn các chương trình, dự án trong thời gian qua trên địa bàn xã đã tạo điều kiện thuận lợi góp phần tích cực giúp nhiều hộ mong muốn thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế. Riêng năm 2018 xã có 46 hộ tại 7 bản: Chấng, Ban, Hới Nọ 1, Hới Nọ 2, Ngúa Trong, Hua Ca và Thẳm Pao được hỗ trợ mua bò cái lai Zebu (trong đó, 39 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo). Ðể việc hỗ trợ vật nuôi tới người dân đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xã đã tổ chức họp các bản phổ biến chủ trương, chính sách, nguồn vốn được giao, trên cơ sở đó phê duyệt số hộ, nhóm hộ tham gia chương trình. Người dân được lựa chọn bò giống theo hướng dẫn của cán bộ thú y giúp vật nuôi phù hợp với điều kiện chăm sóc, khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Ðể thuận lợi cho các hộ chăn nuôi, bò dễ sinh sản, xã khuyến khích bà con chăn thả tập trung, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Nhờ đó đến nay số bò nuôi theo dự án đều phát triển tốt, không dịch bệnh.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu đặt ra tạo điều kiện cho các hộ mong muốn thoát nghèo được tiếp cận thuận lợi các phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình qua đó góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo cải thiện đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập của người dân. Riêng trong năm 2018, huyện Tuần Giáo đã thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tại 18 xã với 410 hộ thuộc 25 thôn, bản được thụ hưởng chính sách. Trong đó, có 410 hộ được hỗ trợ 256 con giống gia súc (255 con bò sinh sản, 1 con trâu sinh sản giống địa phương) với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Cùng với hỗ trợ giống vật nuôi, huyện đã hỗ trợ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện ban đầu để phát triển, tăng đàn, tăng thu nhập. Năm 2019, huyện Tuần Giáo dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn 240 con trâu, bò sinh sản giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tận dụng những thuận lợi trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, cùng với việc triển khai hỗ trợ giống vật nuôi (trâu, bò sinh sản) tới người dân thông qua tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Tuần Giáo khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng tập trung nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Tuyên truyền, vận động bà con không thả rông mà làm chuồng trại nuôi nhốt; tận dụng nguồn thức ăn từ các cánh đồng lúa, sắn, lạc, khoai; trồng cỏ trên đất trống…; khắc phục chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, quảng canh, từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, nông hộ; phát triển chăn nuôi nông hộ đối với những xã có điều kiện chăn nuôi trâu, bò đàn; khuyến khích áp dụng công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi. Xây dựng các mô hình trồng cỏ nuôi trâu, bò thịt thâm canh, hình thành khu vực chuyên canh nuôi bò lai ở các xã: Mường Khong, Quài Tở, Quài Nưa, Pú Nhung, Mường Thín. Tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho trâu, bò… Phấn đấu tốc độ tăng đàn gia súc hàng năm từ 3 - 4%, đến năm 2020 đàn bò toàn huyện đạt 8.780 con và trên 23.300 con trâu.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top