Sử dụng gạch không nung

Hướng tới phát triển bền vững

08:46 - Thứ Hai, 13/05/2019 Lượt xem: 11135 In bài viết

ĐBP - Theo các nhà chuyên môn, việc sử dụng gạch không nung (GKN) trong các công trình xây dựng có rất nhiều ưu thế, như: Thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí xây dựng và đặc biệt là GKN có cường độ chịu lực tốt. Tuy nhiên, do thói quen của người tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng gạch nung truyền thống trong các công trình xây dựng vẫn cao. Trước thực trạng đó, Sở Xây dựng đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân sử dụng gạch không nung để đảm bảo môi trường và chất lượng công trình.

 

Công trình trụ sở Cục Thuế tỉnh sử dụng gạch không nung sản xuất tại Ðiện Biên.

Ðể tăng cường việc sử dụng GKN và tiến tới loại bỏ các lò gạch thủ công, đất sét, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 81% đến năm 2020.

Thông tin từ Phòng Kinh tế xây dựng tổng hợp (Sở Xây dựng), tính đến nay toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất GKN bằng công nghệ ép rung, ép tĩnh tiên tiến, trong đó huyện Ðiện Biên có 3 cơ sở, huyện Tuần Giáo có 2 cơ sở; các huyện: Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ mỗi địa phương có 1 cơ sở; tổng công suất đạt khoảng 92 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Phần lớn các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung này được đầu tư theo quy hoạch của tỉnh. Ðến thời điểm hiện tại đã có 7/9 cơ sở thực hiện việc kiểm định chất lượng, đăng ký quy cách chất lượng và kê khai đăng ký giá bán với cơ quan quản lý Nhà nước; 2 cơ sở còn lại đang tiến hành xác định giá thành để kê khai, đăng ký theo quy định.

Hiện nay trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ cơ bản đã xóa bỏ được các lò gạch thủ công theo lộ trình của tỉnh. Các huyện còn lại vẫn tồn tại một số lò ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng công suất nhỏ, chất lượng sản phẩm hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu nhân dân sở tại. Ðặc biệt là tất cả các cơ sở sản xuất bằng lò thủ công không đăng ký quy cách chất lượng và giá bán với cơ quan chức năng, chưa thực hiện các quy định của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo quy định, tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình: Tại khu vực TP. Ðiện Biên Phủ phải sử dụng 64% vật liệu không nung kể từ ngày 1/1/2014. Tại các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn tỉnh phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách từ ngày 1/1/2014, sau ngày 31/12/2015 phải sử dụng từ 50% trở lên... Qua công tác kiểm tra, giám sát, đến thời điểm hiện tại trên 90% các công trình xây dựng sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đều sử dụng GKN nung, như: Cục Thuế  tỉnh, Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng, Trường Trung học cơ sở xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng)…

Trong những năm gần đây, không chỉ các công trình sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mà các đơn vị chuyên ngành như: Cục Hải quan, Ngân hàng Thương mại Cổ phần công thương (chi nhánh Ðiện Biên)… cũng sử dụng GKN để xây dựng trụ sở làm việc.

Ðặc biệt, nếu như trước đây người dân chỉ sử dụng GKN trong các công trình phụ trợ như: Xây tường rào, các nhà xưởng, các công trình phụ thì hiện nay người dân đã có cái nhìn tích cực hơn đối với GKN; nhiều hộ gia đình đã sử dụng GKN để xây dựng  nhà ở.

Là người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng đã nhiều năm, anh Nguyễn Mạnh Hà, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) bày tỏ: Lợi thế lớn nhất khi sử  dụng GKN trong xây dựng, nhà ở, trụ sở làm việc là GKN có cường độ chịu lực tốt, cách nhiệt tốt, kích thước đa dạng, giá thành rẻ. Nhờ đó mà anh cũng dùng hoàn toàn GKN để xây dựng ngôi nhà 3 tầng của gia đình.

Không chỉ riêng gia đình anh Hà, hiện nay nhiều gia đình khác cũng đã bắt đầu ưa chuộng và sử dụng GKN để xây dựng nhà cửa, biệt thự, các công trình kiến trúc của gia đình. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tất cả người dân đều có cái nhìn đúng về GKN, hoặc do thói quen và tâm lý sử dụng gạch nung vẫn còn là suy nghĩ chung của không ít người. Chính vì vậy chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy đâu đó trên địa bàn thành phố hoặc các huyện, thị trong tỉnh, nhiều gia đình còn sử dụng gạch nung, gạch thủ công đất sét để xây dựng nhà ở, điều này chưa đúng với lộ trình mà tỉnh đề ra.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top