Giúp người dân làm chủ trong phát triển kinh tế

08:50 - Thứ Tư, 15/05/2019 Lượt xem: 11479 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên Ðông là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước và là một trong 5 huyện nghèo nhất của tỉnh với hơn 95% nguồn chi ngân sách hàng năm của huyện do Trung ương và tỉnh hỗ trợ. Những năm qua, các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xóa đói giảm nghèo. Trong đó thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình: Nghị quyết 30a; Chương trình 135; các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo... 

Ðặc biệt, huyện Ðiện Biên Ðông xác định: quan trọng nhất là phải tạo điều kiện, cơ hội để người dân được làm chủ trong phát triển kinh tế; chỉ khi người dân thực sự làm chủ kiến thức, khoa học kỹ thuật thì mới có thể xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững. Từ đó, hàng năm huyện dành một phần kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, trình diễn các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Ðiển hình là mô hình trồng lúa Bắc thơm số 7.

 

Người dân bản Xa Dung B, xã Xa Dung kiểm tra độ sinh trưởng của giống lúa Bắc thơm số 7 trên diện tích ruộng nhân rộng sau mô hình trình diễn.

Huyện Ðiện Biên Ðông có một số cánh đồng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ, như: Na Son, Luân Giói, Mường Luân, Xa Dung… Thế nhưng trước đây người dân chủ yếu trồng các giống lúa truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao. Trước thực tế đó, 3 năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa lai nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lúa tại những địa bàn này. Ðặc biệt, vụ mùa năm 2018 đã triển khai mô hình trình diễn mở rộng kỹ thuật sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới, được hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình sản xuất, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật: làm đất, gieo cấy, bón phân, thu hoạch và bảo quản giống. Tổng kết mô hình, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, như: Tỷ lệ giống nảy mầm trên 80%; chiều dài bông đạt 25cm, chiều dài hạt thóc 6,2mm, chiều rộng hạt thóc 2,3mm; số hạt chắc khoảng 150 hạt/bông; thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, chỉ khoảng 120 ngày; năng suất đánh giá đạt 50 tạ/ha (tăng từ 8 - 10 tạ/ha so với các giống lúa truyền thống).

Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Xa Dung cho biết: Toàn xã có 30 hộ tham gia mô hình. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế so với các giống lúa truyền thống mà việc triển khai mô hình đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ độc canh, quảng canh sang thâm canh, luân canh. Ðáng mừng nhất là sau khi tham gia mô hình, người dân đã thay đổi nhận thức về sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, sau khi kết thúc mô hình trình diễn, vụ đông xuân 2018 - 2019, hàng trăm hộ dân trong xã đã áp dụng, nhân rộng mô hình với hàng chục héc ta lúa. Hiện nay, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến năng suất đạt khoảng 50 tạ/ha.

Một mô hình sản xuất hiệu quả khác là mô hình trồng ngô lai CP888, LVN 855. Trước đây, người dân chủ yếu trồng các giống ngô địa phương, năng suất bình quân chỉ đạt 21 tạ/ha. Từ năm 2016 đến nay UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình mở rộng kỹ thuật trồng ngô lai tại các xã: Mường Luân, Chiềng Sơ, Luân Giói, Phì Nhừ với tổng diện tích gần 10ha. Kết thúc mô hình, năng suất trung bình đạt 45tạ/ha. Từ hiệu quả của mô hình, lại được chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân tích cực mở rộng diện tích, đến nay bình quân mỗi xã trồng từ 200 - 300ha ngô/năm.

Thực hiện hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với thực tế địa phương đã giúp nhiều hộ dân làm chủ được khoa học kỹ thuật trong lao động, sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, như gia đình anh Chá A Cứ, bản Từ Xa B (xã Phì Nhừ); Cà Văn Hặc (thị trấn Ðiện Biên Ðông); Lò Thị Súa, bản Mường Luân 1 (xã Mường Luân)… Nhiều hộ vươn lên khá giả, hiện nay toàn huyện có gần 6.000 hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; gần 800 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Những kết quả đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trung bình từ 3% - 5%/năm, riêng năm 2018 giảm 5,53%; hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 55,23%.

 
Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top