Huổi Trẳng đi lên từ sông nước

08:58 - Thứ Tư, 15/05/2019 Lượt xem: 12024 In bài viết

ĐBP - Thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) có 86 hộ với 430 nhân khẩu. Những năm gần đây, Huổi Trẳng đang đổi thay. Ðó là nhờ tư duy nhanh nhạy của người dân cùng với sự quan tâm của Nhà nước trong việc cho vay vốn để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát huy thế mạnh của địa phương.

 

Toàn cảnh thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa). Ảnh: Ðức Duy

Ðến Huổi Trẳng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những đổi thay của một thôn tái định cư nghèo của hơn 10 năm trước. Những ngôi nhà sàn khang trang, hiện đại, trẻ em líu lo đến trường trong những bộ quần áo đẹp. Trên bến sông tấp nập thuyền bè vào mỗi buổi sáng và lấp lánh ánh đèn vào ban đêm. Chiều muộn, những làn khói xanh biếc bay lên hòa vào màu xanh của rừng, trong căn bếp của nhiều gia đình chúng tôi bắt gặp những tảng thịt lợn, cá sông hun khói. Ðó chính là cuộc sống hiện tại của những người dân nơi đây. Trong khi toàn xã Tủa Thàng có tỷ lệ hộ nghèo là 60,3% thì riêng thôn Huổi Trẳng chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 19,6% (17/86 hộ). Ðó cũng là tỷ lệ mà nhiều xã trong huyện còn phải nỗ lực phấn đấu.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Ðảng ủy xã Tủa Thàng cho biết: Người dân Huổi Trẳng có cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay là nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trước đây người dân trồng cây lương thực là chủ yếu thì mấy năm gần đây đa số các hộ dân ở Huổi Trẳng chuyển sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ sông Ðà. Trong đó, nhiều hộ đầu tư nuôi cá lồng hiệu quả, một số hộ đầu tư thuyền máy để đánh bắt cá tôm và đặt vó bè. Ðể đầu tư được như vậy thì đa số các hộ dân phải vay vốn ngân hàng và các nguồn quỹ của Nhà nước từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Từ khi đa số người dân ở đây chuyển sang làm nghề cá thì bến sông ở Huổi Trẳng cũng trở nên nhộn nhịp và tấp nập thuyền bè. Trong đó có cả những chiếc thuyền của thương lái từ nơi khác đến thu mua hải sản nên hầu như tôm cá của người dân đều được thu mua ngay tại bến sông chứ hiếm khi phải mang ra chợ. Người quen muốn mua cũng phải dặn trước mới có cá ngon, tôm tươi.

Ðể được tận mắt chứng kiến những điều làm nên sự đổi thay của người dân nơi đây, chúng tôi đã quyết định ở lại một đêm để được trải nghiệm cuộc sống trên sông nước. Hơn 3 giờ, chúng tôi cùng vợ chồng anh Quàng Văn Thiệu đi hơn 1km xuống bến sông; giờ này, nhiều ngôi nhà trong bản cũng đã sáng đèn. Trong ánh đèn pin và đèn điện thoại, chúng tôi bước qua 5 - 6 cái thuyền máy thì đến được thuyền của gia đình anh Thiệu. Chiếc thuyền nổ máy lao ra giữa dòng sông lấp ánh những ánh điện từ những vó bè. Lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt cảnh thu cá bằng vó bè chúng tôi vừa tò mò, vừa hồi hộp. Theo lời anh Thiệu thì những ngày may mắn có người thu được cả tạ cá hoặc bắt được những con cá to, cá có giá trị như cá lăng, cá chiên; hôm nào không “trúng quả” thì chỉ được vài cân... Hôm nay là ngày bình thường, vì vậy mẻ vó bè của chúng tôi chỉ thu được chừng gần 10kg cá tạp. Sau khi hạ vó bè rồi tắt điện, cho bình ắc quy lên thuyền chúng tôi tưởng sẽ vào bờ nhưng không phải. Thiệu lại cười và bảo, hôm nay tuy không kiếm được cá to để đãi các anh nhưng bây giờ em sẽ đưa các anh đi thu “bát quái”. Thì ra bát quái là tên gọi của một dụng cụ dạng lưới hình ống dài hàng trăm mét để bẫy tôm. Sau 2 lần thu bát quái thì chũng tôi cũng được thêm khoảng 4kg tôm tươi, đây là loài tôm đặc sản của sông Ðà có giá trị hơn 100 nghìn đồng/kg…

Chúng tôi rời bến sông khi mặt trời đỏ rực vừa nhô lên khỏi mặt nước. Trong khung cảnh thơ mộng, không khí trong lành tôi có một cảm giác như mình đang được đi du lịch ở một nơi thắng cảnh nào đó. Dù cảm thấy rất vui trước một cuộc sống mới đang bừng lên trên vùng đất khó nhưng vẫn còn đó những trăn trở như lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Ðảng ủy xã Tủa Thàng cũng như người dân nơi đây. Ðó là mong muốn được Nhà nước đầu tư nâng cấp con đường từ trung tâm xã đến Huổi Trẳng, cải tạo và quy hoạch bến sông để thuận tiện cho người dân giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân nuôi cá lồng cả về nguồn vốn và kỹ thuật. Bởi theo lời ông Tiến, nuôi cá lồng và đánh bắt hải sản chính là thế mạnh và hướng đi lâu dài để phát triển kinh tế của địa phương, không chỉ đối với riêng người dân thôn Huổi Trẳng.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top