Khai thác đá xây dựng cần gắn với bảo vệ môi trường

08:42 - Thứ Sáu, 17/05/2019 Lượt xem: 12489 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, các công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh đòi hỏi khối lượng lớn đá xây dựng. Ðáp ứng nguồn vật liệu cho các công trình, hiện nay toàn tỉnh có 20 điểm mỏ khai thác đá được cấp phép. Ðể hạn chế ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra, cơ quan chức năng và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý. Nhờ vậy, ý thức tự chấp hành, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường của các đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Áp dụng nhiều biện pháp, mỏ khai thác đá thuộc khối 1, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) của Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ 2 đã giảm thiểu bụi đá.

Có mặt tại điểm mỏ khai thác đá nằm trên địa bàn khối 1, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà), chúng tôi nhận thấy mặc dù máy móc đang hoạt động nhưng lượng khói bụi tại đây đã giảm đáng kể. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ 2 đã lắp đặt hệ thống phun nước tạo ẩm đá nguyên liệu, phun sương làm ướt đá tại các đầu băng tải máy nghiền sàng và thường xuyên bảo dưỡng thiết bị, máy móc theo định kỳ... để giảm khói bụi và tiếng ồn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Giáp Thìn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ 2 cho biết: Trước đây, trong quá trình sản xuất thường có nhiều bụi đá. Ðể giảm thiểu phát tán bụi ra khu vực nghiền sàng đá, Công ty đã sử dụng hệ thống giàn phun sương dập bụi phun nước thành dạng sương nhỏ, làm tăng độ ẩm trong không khí, những hạt sương li ti sẽ kết bụi lại với nhau trở nên nặng hơn và rơi xuống đất, giúp giảm nhanh nồng độ bụi trong không khí. Nhờ vậy, môi trường không khí xung quanh khu mỏ và trong khu vực sản xuất đã đảm bảo hơn, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh.

Nhà ở cách khu vực mỏ đá khoảng gần 500m, nhưng giờ đây gia đình chị Lò Thị Thảo (tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà) đã yên tâm hơn vì không phải lo bụi bẩn do mỏ đá hoạt động bay vào nhà như trước. Chị Thảo cho biết: Những năm trước đây, mỏ đá hoạt động có những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của gia đình và các hộ xung quanh. Nhưng từ khi Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ 2 thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nên đời sống và công việc lao động, sản xuất của người dân gần mỏ đá được đảm bảo; bụi do nghiền sàng đá đã giảm đến hơn 70% rồi.

Khai thác đá là một trong những hoạt động sản xuất có tác động tiêu cực đến cảnh quan, địa hình và hệ sinh thái. Các mỏ khai thác lộ thiên không chỉ ảnh hưởng do nổ mìn mà còn gây ra tiếng ồn, khói bụi khá lớn và việc vận chuyển đá từ mỏ đi tiêu thụ cũng gây ra bụi bẩn ảnh hưởng đời sống người dân, khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng… Vì vậy, không ít điểm mỏ khai thác đá hoạt động gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hoạt động khai thác đá có những tác động đối với môi trường là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi cơ sở, doanh nghiệp khai thác đá cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến. Gắn khai thác đá xây dựng với bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã siết chặt quản lý ngay từ khâu phê duyệt các dự án, cấp phép hoạt động. Nếu dự án nào thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường chưa đảm bảo, đơn vị sẽ yêu cầu chủ dự án thực hiện đầy đủ các biện pháp, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động khai thác đá và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác đá không chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường… để các đơn vị, doanh nghiệp chấp hành nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác đá.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top