Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sinh vật ngoại lai xâm hại

08:52 - Thứ Tư, 22/05/2019 Lượt xem: 9772 In bài viết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 3438/BNN-TCTS đề nghị các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ.

Theo đó, thời gian gần đây, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng kinh doanh, tiêu thụ tôm càng đỏ (tên khoa học là Cherax quadricarinatus), hay còn gọi là tôm hùm đất. Đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy ao, hồ; ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Khi ra ngoài môi trường, tôm phát triển nhanh, là nguồn gây hại nguy hiểm cho các loài sinh vật khác. Vì vậy, tôm càng đỏ là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28-12-2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Gần đây nhất, tại Phụ lục VIII, ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy sản, đã khẳng định tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Như vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm càng đỏ dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. Phải chăng do công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về tác hại của loài sinh vật ngoại lai nói chung và tôm càng đỏ nói riêng thời gian qua chưa tốt, cho nên các cơ quan chức năng chưa có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn cô lập, diệt trừ loài tôm càng đỏ ngay từ khi những hộ kinh doanh đầu tiên nhập lậu về bán trên thị trường. Trong khi đó, rất nhiều người tiêu dùng, không cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như tác hại của loại tôm này đến môi trường, mà chỉ quan tâm đây là món ăn mới, lạ và sẵn sàng bỏ tiền mua với giá hàng trăm nghìn đồng một ki-lô-gam.

Để bảo vệ môi trường cũng như tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại nói chung và tôm càng đỏ nói riêng. Khi phát hiện có hiện tượng tàng trữ, buôn bán trên thị trường, phát tán ra môi trường, cần có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu hủy theo quy định về đa dạng sinh học, đồng thời tùy theo mức độ vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Song song với các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại này. Không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ cũng như khi phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi gần nhất.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nước ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top