Na Tông thiếu nước sản xuất

08:48 - Thứ Sáu, 24/05/2019 Lượt xem: 11100 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, nông dân xã Na Tông (huyện Ðiện Biên) tích cực khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích trồng lúa nước. Tuy nhiên, phần lớn ruộng khai hoang ở khu vực cao hoặc khu vực chưa có công trình thủy lợi nên gặp nhiều khó khăn về nước sản xuất. Ðợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay đã làm nhiều diện tích lúa gieo cấy trên ruộng mới khai hoang bị héo, chết.

Khu ruộng khai hoang trên 60ha của các bản: Na Tông 1 và Na Tông 2 được tưới bởi nguồn nước từ hồ Thủy lợi Na Hươm. Người dân đã xây dựng hệ thống kênh nội đồng dài trên 3,7km, gồm kênh gia cố và tuyến dẫn bằng ống nhựa UPVC chôn sâu 0,7m, đưa nước từ kênh chính của hồ Na Hươm tới các bãi tưới. Tuy nhiên, vào mùa khô mực nước hồ xuống thấp, không cung cấp đủ nước tưới cho lúa. Vụ đông xuân 2018 - 2019, do nắng nóng kéo dài khiến hơn 50% diện tích ruộng ở đây phải bỏ hoang vì không có nước tưới.

Ông Vì Văn Tâm, Trưởng bản Na Tông 1 cho biết: Người dân sản xuất lúa phụ thuộc theo thời tiết. Vụ mùa thì nước tưới tiêu đủ, nhưng vụ chiêm nước hồ cạn nên không đủ nước để sản xuất. Do đó, trên các diện tích khai hoang, chúng tôi chủ yếu gieo cấy 1 vụ lúa.

Tương tự hai bản Na Tông 1 và 2, bản Na Sản cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng trong vụ đông xuân. Diện tích ruộng khoảng 5ha được dân bản Na Sản khai hoang, thiết kế theo ruộng bậc thang, một phần được tưới bởi hệ thống kênh của hồ Na Hươm, phần còn lại đón nguồn nước tưới từ các khe, lạch. Tuy nhiên, nằm phía cuối hệ thống kênh Na Hươm nên nước tưới cho khu ruộng của Na Sản rất ít. Do sản xuất phụ thuộc nước trời là chủ yếu nên dân bản Na Sản thường gieo cấy các giống lúa ngắn ngày và xuống giống muộn để đợi mưa. Từ tháng 4 đến nay mưa ít, kèm theo các đợt nắng nóng kéo dài, các khe, lạch khô cạn nên một nửa diện tích ruộng lúa của bản đã bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Ðể khai hoang 1ha ruộng nước trên khu vực đồi núi dốc tiêu tốn hàng trăm triệu đồng kinh phí san, ủi mặt bằng. Người dân phải tự đào mương, lập phai dẫn nước vào ruộng và phải qua 3 - 4 vụ gieo cấy, cải tạo thì năng suất lúa mới đảm bảo. Nhưng phần lớn ruộng khai hoang nằm trên địa hình có độ dốc lớn, khó khăn về thủy lợi nên rất khó sản xuất 2 vụ.

Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông cho biết: Từ khi chia tách, thành lập (năm 2013), xã được đầu tư công trình Thủy lợi Na Hươm, tưới cho diện tích 72,5ha. Trong 2 năm 2014 - 2015, xã Na Tông khai hoang được 72ha ruộng; từ 2016 đến nay, mỗi năm xã đăng kí với UBND huyện khai hoang từ 0,5 - 1ha. Tuy nhiên hiện nay Thủy lợi Na Hươm đã khai thác hết công suất mà vẫn chỉ tưới được một nửa diện tích. Hiện toàn xã có 221ha vụ mùa còn vụ đông xuân dù đã tận dụng nước mưa, nước kênh, song cũng chỉ sản xuất được 73,5ha. Thế nên một số diện tích ruộng khai hoang từ năm 2011 - 2012 thiếu nước, người dân đã chuyển sang trồng ngô. Thêm ruộng là có thêm thóc lúa, giảm nỗi lo thiếu đói của người dân vùng cao. Tuy nhiên địa bàn thiếu nước quá, chúng tôi mong muốn được Nhà nước đầu tư thêm công trình thủy lợi để sản xuất trên ruộng khai hoang.

Khai hoang, phục hóa để sản xuất lúa nước giúp người dân vùng cao khai thác quỹ đất sản xuất chưa được sử dụng, tăng năng suất, sản lượng lương thực. Nhưng ruộng khai hoang sản xuất hiệu quả ra sao lại phụ thuộc vào thủy lợi, trong khi hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng đủ yêu cầu tưới nên nhiều diện tích ruộng đã khai hoang ở các xã vùng cao sản xuất không ổn định. Không chỉ riêng Na Tông mà ở nhiều xã vùng cao khác trên địa bàn tỉnh, thủy lợi vẫn luôn là bài toán khó đối với chính quyền cơ sở và người dân.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top