Phát triển chăn nuôi đại gia súc

15:03 - Thứ Sáu, 31/05/2019 Lượt xem: 10438 In bài viết
Tính đến ngày 30-5, cả nước đã có hơn 40 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi; với hơn hai triệu con lợn bị chết, mắc bệnh phải tiêu hủy. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan trên diện rộng rất cao, không chỉ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người chăn nuôi ở các địa phương, mà còn làm mất cân đối trong sản xuất thực phẩm của ngành chăn nuôi. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải quy hoạch tổ chức lại chăn nuôi, sản xuất chế biến sản phẩm thịt lợn theo hướng an toàn sinh học. Ðồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… nhất là gia súc ăn cỏ.

Theo Cục Chăn nuôi, trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, hiện thịt lợn vẫn chiếm phần lớn với gần 71% tổng sản lượng thịt các loại, thịt gia cầm chiếm 20,4% và thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6%. Nếu so sánh sản lượng tiêu thụ sữa và thịt đỏ của Việt Nam với thế giới thì còn rất thấp, bình quân 3 kg thịt bò và 20 lít sữa/người/năm; trong khi trên thế giới mức bình quân là 9 kg thịt bò và 80 lít sữa/người/năm. Trong khi đó, nước ta có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cộng với nguồn thức ăn dồi dào có được hàng năm từ phụ phẩm của 3,8 triệu ha đất lúa và hơn 1,5 triệu ha ngô, mía... Ðặc biệt, Việt Nam có nhiều đồng cỏ tự nhiên hoặc được trồng thay thế trên đất lúa, ngô kém hiệu quả… Ðây là nguồn nguyên liệu đầu vào không chỉ cho bò sữa, bò thịt, trâu thịt, mà còn rất nhiều loài vật nuôi ăn cỏ khác như ngựa, hươu, nai, dê, cừu... Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng chống, ngành chăn nuôi đại gia súc đang có nhiều lợi thế để phát triển, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới về thịt và các sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ đang ngày càng tăng cao.

Ðể tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế sẵn có, ngành chăn nuôi gia súc cần khắc phục ngay những hạn chế vốn có, đó là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến chưa kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành, đầu ra sản phẩm… Muốn vậy, cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo quy mô công nghiệp khép kín. Tạo chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ theo nhiều hình thức, vừa tạo điều kiện để áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất, hiệu quả cao, vừa giúp nông dân tận dụng hiệu quả các phụ phẩm trong nông nghiệp như ngô, mía, rơm rạ… để giảm giá thành chăn nuôi. Ðồng thời tạo sinh kế cho các hộ chăn nuôi đã và đang chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi chuyển hướng sang đối tượng nuôi mới. Trước mắt là thích ứng với dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh, nhưng về lâu dài đây là một hướng chủ đạo nhằm thay đổi cục diện chiến lược ngành chăn nuôi của Việt Nam, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ, ngăn chặn kịp thời nguy cơ khan hiếm thực phẩm được dự báo có thể xảy ra.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top