Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp

09:26 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 10887 In bài viết

Nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Do vậy, một chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đặt ra. Đó là tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động…

 

Một số ứng dụng nông nghiệp được giới thiệu tại một cuộc tọa đàm.

Lao động trẻ, có trình độ, tay nghề, kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ… là nhu cầu của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tại những ngày hội tuyển dụng việc làm, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhân lực thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng để đào tạo lại. Mặc dù vậy, có đến 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong nông nghiệp nói riêng. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây chính là sự bất cập, tác động không nhỏ đến sự phát triển đang có xu hướng chậm lại của nông nghiệp nước ta. Do đó, cần nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp để có thể thích ứng sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan khẳng định, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và sinh viên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Sinh viên sẽ có thêm cơ hội thực hành, nâng cao tay nghề, học tập kiến thức thực tiễn. 

Năm 2016, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực, nhằm tăng cường hợp tác đào tạo không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp nước ngoài, nhất là thị trường Nhật Bản thông qua các dự án hợp tác, tu nghiệp sinh đối với người đã tốt nghiệp, hoặc người đang theo học tại Học viện theo diện trao đổi sinh viên (dưới 12 tháng)… Đây được coi là những nỗ lực của học viện nhằm trang bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết trước khi chính thức “bước chân” vào thị trường lao động.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ, nhờ nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng đang ngày càng đa dạng của doanh nghiệp (kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ…), trong quá trình đào tạo, Học viện luôn linh hoạt nắm bắt nhu cầu của thị trường để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Học viện nâng cao chất lượng, năng lực của giảng viên, cơ sở vật chất, bảo đảm cho sinh viên có thể vừa học, vừa hành một cách tốt nhất. Từ năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên. Ghi nhận chung, năm 2015 có 80 doanh nghiệp tham gia với gần 4.000 vị trí tuyển dụng, kết quả đã có hơn hai nghìn ứng viên được tuyển dụng; năm 2016 có hơn 60 doanh nghiệp tham gia với hơn ba nghìn vị trí tuyển dụng, thực tế doanh nghiệp đã tuyển dụng được hơn hai nghìn ứng viên... Tại ngày hội việc làm năm 2019, dự kiến sẽ có hơn 70 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng bốn nghìn vị trí việc làm. Trong đó, năm doanh nghiệp tuyển dụng không giới hạn cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng lớn.

Không chỉ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đổi mới chương trình đào tạo, Trường đại học Thủy lợi còn tìm kiếm đầu ra cho sinh viên tại các công ty nước ngoài ngay từ khi các em đang học, thông qua ký hợp tác với Công ty Samsung Việt Nam và được đầu tư phòng Lab trị giá 1,3 tỷ đồng. Trường ký hợp tác với Công ty Minami Fuji, Công ty Work staff, Công ty Kofu (Nhật Bản), Công ty TNHH Esuhai, Công ty VTI Japan và Công ty Học viện Đào tạo quốc tế ATI xây dựng những chương trình đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa và phong cách làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, một trong những đơn vị sớm triển khai mô hình liên kết đào tạo cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng của công ty lên đến hàng nghìn lao động mỗi năm, trong đó hơn 60% nguồn nhân lực chất lượng cao, cho nên công ty đã chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo và trường đại học trong nước theo hợp đồng liên kết đào tạo. Trong thời gian đào tạo, phía công ty sẽ tạo điều kiện để sinh viên thực hành tại cơ sở, trang trại để các em nắm bắt được công nghệ, hiểu biết về ngành nghề mà sau này mình gắn bó…”.

Để mối liên kết đào tạo bền vững, công tác dự báo thị trường lao động cần phải được đẩy mạnh, cập nhật cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Có như vậy, chúng ta mới sớm có được nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn tinh thông ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt và khả năng hợp tác cao.

 

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top