Tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp

15:37 - Thứ Hai, 10/06/2019 Lượt xem: 10275 In bài viết

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay, công tác bảo vệ và phát triển rừng cơ bản đạt và vượt kế hoạch, nhất là chỉ tiêu về trồng rừng tập trung, giá trị xuất khẩu lâm sản.

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng lên, diện tích rừng suy thoái được phục hồi, nâng cao diện tích trồng rừng thâm canh, khoanh nuôi tái sinh rừng và chuyển hóa rừng sang kinh doanh gỗ lớn. Bên cạnh đó, cả nước đã giảm diện tích rừng bị thiệt hại; giảm số vụ vi phạm pháp luật về rừng; diện tích rừng đặc dụng tăng thêm thông qua trồng rừng tập trung, rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng cây phân tán...

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện cũng có nhiều nguyên nhân khiến quá trình thực hiện các chương trình phát triển lâm nghiệp bị ảnh hưởng, cần tập trung tháo gỡ, khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Ðó là, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, các vi phạm về vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Mặt khác, hiện có nhiều chính sách, các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp còn thiếu, hoặc có nhưng chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Thực tế hiện nay, các vi phạm về giống cây trồng lâm nghiệp, về trồng rừng thay thế; công tác phòng, chống cháy rừng; săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép động vật hoang dã; khai thác lâm sản trái phép; lấn chiếm đất rừng; vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng... vẫn diễn ra tại nhiều nơi, dưới các hình thức khác nhau, ngày càng tinh vi. Có những chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật, nhưng lại không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy định. Không ít nơi, chính quyền địa phương, chủ rừng, kiểm lâm hoặc tiếp tay, đồng lõa hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhằm tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm sản, ngày 25-4-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2019/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính cao nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp với cá nhân là 500 triệu đồng. Ðối với tổ chức có hành vi vi phạm thì áp dụng phạt tiền bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền cao nhất trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với tổ chức là một tỷ đồng. Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi khai thác rừng trái pháp luật, gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm...; quy định cụ thể mức phạt hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường, đối với gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các mức phạt đối với hành vi khai thác trái pháp luật lâm sản ngoài gỗ... Nghị định có hiệu lực thi hành từ hôm nay, 10-6-2019.

Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ góp phần đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm, bảo đảm và tăng cường các biện pháp xử lý trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp, qua đó, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp hội nhập và phát triển ổn định, bền vững.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top