Cần thiết phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Ðiện Biên

09:29 - Thứ Tư, 12/06/2019 Lượt xem: 10638 In bài viết

ĐBP - Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm đang được xem là phương pháp bảo vệ và nâng cao giá trị hàng hóa cho nông sản Ðiện Biên. Không dừng lại ở ý nghĩa đơn thuần là giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa mà còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; mở rộng thị trường. 

 

Sản phẩm gạo với chỉ dẫn địa lý “Ðiện Biên” được bán tại Công ty TNHH thực phẩm Safe Green (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Mai Phương

Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ -  An toàn bức xạ, hạt nhân (Sở Khoa học - Công nghệ) cho biết: Thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết. Tính đến nay, cả nước có 69 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó tỉnh Ðiện Biên có 1 chỉ dẫn địa lý là “Gạo Ðiện Biên” được bảo hộ từ năm 2014. Ðể xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “Gạo Ðiện Biên”, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, Sở Khoa học - Công nghệ (đơn vị đứng tên chủ đăng ký) đã tiến hành triển khai Dự án Xây dựng chỉ dẫn địa lý Ðiện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 vùng cánh đồng Mường Thanh. Ngay sau khi dự án hoàn thành, đơn vị đã làm hồ sơ đăng ký gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh gạo Ðiện Biên trong vùng đăng bạ chỉ dẫn địa lý có sản phẩm đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo đúng quyết định đăng bạ chỉ dẫn địa lý sẽ được Sở Khoa học - Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó. Trong quá trình tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ðiện Biên” cho sản phẩm gạo thì giá sản phẩm cuối năm 2010 đã tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2009. Quan trọng hơn là chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo đã tạo điều kiện cho sản phẩm mở rộng và tiếp cận nhiều hơn thị trường quốc tế với thương hiệu “gạo Ðiện Biên” có chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc rõ ràng. Lúa gạo vùng lòng chảo Ðiện Biên có giá trị hàng hóa lớn, vì vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ðiện Biên” cho sản phẩm gạo của tỉnh là cơ sở khoa học và thực tiễn làm tăng giá trị và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm gạo trên thị trường trong và ngoài nước. Ðồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản mang lại nhiều lợi ích thiết thực, song không phải sản phẩm nào cũng có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý. Một sản phẩm muốn đăng ký chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng được các điều kiện, như: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý quyết định. Ðể xác định được sản phẩm cần đăng ký chỉ dẫn địa lý cũng phải xem xét 3 yếu tố, gồm: Sản phẩm; các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm; chính quyền địa phương...

Hiện nay, ngoài sản phẩm gạo, tỉnh ta còn một số sản phẩm nông sản điển hình khác có khả năng đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nhằm phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, năm 2018 Sở Khoa học - Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Khoa học - Công nghệ 2 dự án thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ thực hiện trong kế hoạch 2019 - 2020. Ðó là Dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Mường Ảng cho sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng và Dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Tủa Chùa cho sản phẩm chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa. Ðến thời điểm này, Bộ Khoa học - Công nghệ chưa có văn bản trả lời đề xuất và trong thời gian tới nếu 2 dự án này không được phê duyệt thì việc đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể do UBND huyện triển khai dựa trên ngân sách của huyện hoặc nguồn vốn của các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong xây dựng chỉ dẫn địa lý là thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Ngoài ra, quy mô sản xuất các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn về việc truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó là tập quán canh tác của người dân, nên khó sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Ðể phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, cần sự phối hợp tích cực của nhiều cấp, ngành, nhất là Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp, đầu mối phân phối của các địa phương khác để đưa sản phẩm của tỉnh ta mở rộng thị trường. Ðẩy mạnh việc hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top