Ða dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

09:03 - Thứ Năm, 13/06/2019 Lượt xem: 13458 In bài viết

ĐBP - Sau 2 năm thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ (Ðề án 939), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, giúp hội viên mạnh dạn hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, vươn lên phát triển kinh tế.

 

Mô hình tổ nhóm liên kết làm bánh khẩu xén tại xã Lay Nưa, TX. Mường Lay được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập giúp hội viên có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

Ðẩy mạnh tuyên truyền

Với điều kiện của tỉnh miền núi, đời sống hội viên còn nhiều khó khăn, nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của hội viên còn hạn chế. Vì vậy, ngay sau khi Ðề án 939 được triển khai, một trong những hoạt động đầu tiên được Hội LHPN tỉnh chú trọng là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, kiến thức phát triển về sản xuất, kinh doanh cho hội viên. Ðầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự lớp truyền thông về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (gọi tắt là Dự án TEAL) tổ chức cho 50 cán bộ, hội viên của xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng). Lớp học rất tập trung bởi đây là vấn đề hết sức thiết thực, được mọi người quan tâm và không phải khi nào cũng có dịp được nghe. Nhiều hội viên đã tích cực trao đổi, đặt câu hỏi để được hướng dẫn, như: Các bước xây dựng, phát triển ý tưởng kinh doanh; việc đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; làm thế nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả... Từ đó, có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào điều kiện sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

Chị Nông Thị Thịnh, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Ðó là chỉ là một trong nhiều lớp tập huấn, truyền thông về khởi nghiệp được Hội tổ chức trong thời gian qua. Từ khi triển khai thực Ðề án 939 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho hơn 140 lượt người là thành viên ban quản lý các hợp tác xã/tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết. Ðồng thời, Hội tổ chức 2 buổi truyền thông cho 100 hội viên là thành viên tổ hợp tác, thành viên câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 80 hội viên tại xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) để khởi sự nghề nuôi ong và trồng cây sa nhân; hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ 25 phụ nữ khởi nghiệp... Thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục mở 1 lớp truyền thông về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ của xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên).

Ða dạng hoạt động hỗ trợ

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện mục tiêu giúp đỡ hội viên có ý tưởng, nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ, giúp phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Một trong những hoạt động tiêu biểu là hỗ trợ, giúp đỡ hội viên xây dựng, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Trong năm 2018, Hội đã giới thiệu và hướng dẫn 2 hội viên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng kế hoạch kinh doanh tham gia ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương. Trong đó, 1 ý tưởng lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc. Năm 2019, Hội đã vận động, giúp đỡ hội viên xây dựng được 5 ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 3 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; trong đó, 1 ý tưởng lọt vào vòng phỏng vấn; gửi 5 ý tưởng tham dự cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển công bằng cho phụ nữ nông thôn” do Ðại sứ quán Australia phối hợp tổ chức. Với những hội viên thiếu vốn đầu tư, Hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp hội viên vay vốn phát triển, mở rộng sản xuất. Hiện toàn tỉnh có hơn 19.000 hội viên được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng dư nợ hơn 712 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ, Hội tạo điều kiện cho hơn 300 hội viên vay vốn với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng...

Ðáng chú ý, Hội triển khai xây dựng được các mô hình điểm thu hút nhiều hội viên tham gia, như: Mô hình trồng bí tại xã Tìa Dình (Ðiện Biên Ðông) thu hút 22 hội viên tham gia trồng khoảng 5ha; mô hình sản xuất nông sản an toàn tại xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) với 40 hội viên tham gia trồng lạc và rau các loại. Mặt khác, Hội tiếp tục hỗ trợ các tổ, nhóm liên kết trồng rau an toàn tại huyện Mường Ảng, TP. Ðiện Biên Phủ, nhóm liên kết làm bánh khẩu xén tại xã Lay Nưa (TX. Mường Lay). Ðiểm nổi bật là, không chỉ quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. 2 tháng qua, Hội đã tham gia trưng bày hàng trăm mặt hàng nông, lâm, thổ sản, thực phẩm và thảo mộc chăm sóc sắc đẹp do hội viên trong tỉnh sản xuất, kinh doanh tại Hội chợ Thương mại quốc tế vùng Tây Bắc và ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Bắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, nhằm tập hợp các nữ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cùng tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, Hội đã thành lập và ra mắt câu lạc bộ “Nữ doanh nhân tỉnh Ðiện Biên” với 40 thành viên vào đầu tháng 5 vừa qua. Từ đó, cùng hợp tác, hỗ trợ giúp nhau phát triển, tạo việc làm cho hội viên nghèo.

Khởi nghiệp từ năm 2015 với hoạt động sản xuất, cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng, chị Hoàng Thị Hiên đã quyết định thành lập Công ty TNHH Safe Green. Ban đầu hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Song nhờ Hội LHPN tỉnh giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, nâng cao năng lực lãnh đạo, cung cấp kiến thức về sản xuất, kinh doanh; được giúp vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, lại được Hội giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ... nên việc kinh doanh của Công ty ngày càng mở rộng. Sản phẩm của Công ty tương đối đa dạng với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, như: Rau, củ, quả tươi và sấy khô, gạo, bún, miến, bánh đa, bánh khẩu xén, các gia vị dân tộc... được tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh khu vực miền Bắc. Năm 2018, tổng doanh thu của Công ty đạt gần 8 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng. Chị Hiên cũng chính là hội viên có ý tưởng về chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo an toàn được Hội LHPN tỉnh lựa chọn và giới thiệu tham gia ngày Phụ nữ khởi nghiệp và đã đoạt giải ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc với phần thưởng trị giá 50 triệu đồng.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top