Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:59 - Thứ Hai, 17/06/2019 Lượt xem: 10994 In bài viết
ĐBP - Xác định đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, huyện Mường Ảng chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT). Nhờ đó, công tác đào tạo nghề cho LÐNT đã đạt được những kết quả tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm sau tăng hơn năm trước…


Học viên lớp kỹ thuật trồng rau an toàn tại xã Nặm Lịch, thực hành kỹ thuật phủ mặt luống và xuống giống.

Hằng năm huyện đều kiện toàn Ban chỉ đạo triển khai Ðề án đào tạo nghề cho LÐNT huyện; chỉ đạo các xã thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã. Ðể thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, tạo việc làm cho LÐNT trên địa bàn huyện giai đoạn 2014 - 2018, UBND huyện đã ban hành 42 văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai và tổ chức thực hiện; chỉ đạo Phòng LÐTB&XH, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành viên Ban chỉ đạo ban hành các văn bản hướng dẫn kiểm tra, giám sát và bố trí một cán bộ kiêm nhiệm theo dõi công tác dạy nghề trên địa bàn huyện. Giai đoạn từ 2014 - 2018, toàn huyện đã mở 38 lớp đào tạo nghề cho 1.230 lao động tại địa phương, chủ yếu là các lớp về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng rau an toàn… Cùng với các chính sách hỗ trợ khác đã góp phần nâng số lao động qua đào tạo của huyện từ 8.160 người (năm 2014) lên 10.199 người (năm 2018). Các lao động sau khi được đào tạo nghề đa số tự tạo được việc làm. Thông qua các lớp học nghề nông nghiệp với những kiến thức học được nông dân đã áp dụng vào thực tế chăn nuôi, trồng trọt tại gia đình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang những cây, con cho hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành hộ kinh tế khá giả của xã… Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lý A Lệnh, bản Chan 2, xã Mường Ðăng trước năm 2013, chỉ là hộ phát triển kinh tế gia đình theo hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung. Nhưng từ năm 2014, sau khi được học qua lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho trâu, bò do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức; gia đình ông Lệnh đã quyết định mở rộng, phát triển kinh tế gia đình theo hình thức trang trại. Ông Lệnh chia sẻ: Năm 2014, khi chuyển đổi kinh tế gia đình sang chăn nuôi theo hình thức trang trại; gia đình chỉ có hơn 10 con bò để gây giống, tôi phải vay mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua thêm trâu giống… Nhờ được học qua lớp kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho trâu, bò nên tôi có kiến thức áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Ngoài trồng gần 1ha cỏ làm thức ăn cho trâu bò, gia đình tôi còn trồng ngô, sắn để lấy thức ăn tinh bột cho trâu, bò; cộng với việc tiêm phòng dịch định kỳ đầy đủ nên đàn trâu, bò của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt không bị bệnh dịch. Ðến nay, đàn trâu bò của gia đình tôi đã phát triển thành trên 80 con bò, 27 con trâu. Ngoài ra, gia đình còn kết hợp nuôi thêm trên 20 con lợn rừng, gần 100 con lợn dân; gần 200 con gà, vịt… tạo nguồn thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ông Lệnh cho biết, ngoài việc đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng chất xơ, tinh bột cho gia súc, đặc biệt là vào mùa rét; tiêm phòng định kỳ đầy đủ thì phải chú trọng đảm bảo việc vệ sinh, khử trùng; đồng thời không sử dụng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc…

Cũng thông qua lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn mà gia đình chị Lò Thị Thích, bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Chị Thích chia sẻ: Khi chưa được học qua lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, gia đình tôi vẫn trồng theo phương pháp phổ thông, đánh luống, gieo hạt rất tốn giống mà tỷ lệ sống thấp, hay bị sâu bệnh, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… chi phí sản xuất lớn nên trừ chi phí đi thu về chẳng được là bao. Từ khi được cán bộ tập huấn lớp trồng rau an toàn, tôi đã áp dụng vào sản xuất của gia đình thấy hiệu quả hơn hẳn, giảm chi phí lao động, chất lượng rau đảm bảo vì không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, vào mùa trồng rau từ tháng 9 đến tháng 2 hằng năm, mỗi tháng gia đình có thêm thu nhập từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng nhờ trồng rau…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top