Quản lý dược, mỹ phẩm còn nhiều khó khăn

08:18 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 11193 In bài viết
ĐBP - Trước nhu cầu sử dụng ngày càng lớn của người dân, thị trường dược, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang bùng nổ nhanh chóng phân bố rộng khắp tại địa bàn tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, các mặt hàng này cũng được bán tràn lan dưới nhiều hình thức khiến công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh ta không có cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm song số lượng các cơ sở kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh có 292 cơ sở kinh doanh dược, trong đó có 12 cơ sở bán buôn và 280 cơ sở bán lẻ (gồm 44 nhà thuốc và 236 quầy thuốc), phân bố ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Các cơ sở kinh doanh dược phẩm đều được Sở Y tế thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (đối với cơ sở bán buôn), thực hành tốt bán lẻ thuốc (đối với cơ sở bán lẻ). Ngoài ra, việc kinh doanh mỹ phẩm cũng rất đa dạng tại các cơ sở bán lẻ thuốc, cửa hàng công nghệ phẩm và các siêu thị dưới hình thức một loại hàng hóa. Theo đánh giá của ngành Y tế, giá thuốc của các cơ sở kinh doanh dược ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây biến động tăng giá thuốc; giá thuốc mua sử dụng trong các cơ sở y tế thực hiện theo kết quả lựa chọn nhà thầu do Sở Y tế tổ chức đấu thầu hàng năm theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Triệu Ðình Thành, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ðể siết chặt hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Ðề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Ðồng thời, tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho cán bộ làm công tác quản lý dược và các cơ sở hành nghề dược. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh thường xuyên triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm lưu thông trên địa bàn; phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện công tác quản lý thuốc và mỹ phẩm. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm đã lấy 21 mẫu mỹ phẩm, 739 mẫu thuốc tại các cơ sở kinh doanh để xác định chất lượng. Kết quả, các mẫu mỹ phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng; phát hiện 3 mẫu thuốc dược liệu không đạt tiêu chuẩn về độ ẩm (3 mẫu lấy tại cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền).

Mặc dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện kinh doanh dược, mỹ phẩm song thực tế công tác quản lý dược, mỹ phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhất là công tác kiểm tra, hậu kiểm mỹ phẩm do số lượng các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm hiện nay quá nhiều, chỉ kiểm tra được số cơ sở bán buôn và bán lẻ lớn. Qua kiểm tra cho thấy đa số các sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá đúng quy định. Song vẫn còn một số mỹ phẩm có tem nhãn không đúng quy định về tiêu chuẩn nhãn mác, không có tem phụ bằng chữ Việt Nam, cơ sở kinh doanh chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn mua, bán mỹ phẩm. Trong khi đó nhân lực dược toàn tỉnh còn thiếu, nhất là dược sĩ đại học. Cùng với đó là việc thực hiện Ðề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng liên thông các cơ sở bán lẻ thuốc còn chậm. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm thiếu. Do đó, nhiều mẫu thuốc và mỹ phẩm sau khi lấy về Trung tâm cũng chưa thể xét nghiệm, đánh giá được mà phải chuyển về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top