Cây dại thành cây có giá trị kinh tế cao trên đất Tà Lèng

08:22 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 14040 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, người dân xã Tà Lèng, TP. Ðiện Biên Phủ không ngại thử nghiệm, chuyển đổi nhiều giống cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện đất và hướng đến mục đích thương phẩm, phát triển kinh tế gia đình. Một trong những mô hình chuyển đổi ấy phải kể đến trồng cây hương nhu làm tinh dầu của các hộ thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng.

 

Thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng thu hoạch cây hương nhu.

Tháng 11/2017, HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng được thành lập với 12 hộ thành viên, mục đích giúp các hộ hỗ trợ nhau trong sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi và phát triển cây dược liệu. Ðến đầu năm 2018, HTX kết nối được với Công ty Tinh dầu Việt Nam và ký cam kết thu mua tinh dầu lâu dài. Nơi tiêu thụ đã được đảm bảo, HTX bắt tay vào triển khai phổ biến, vận động các hộ thành viên trồng cây hương nhu. Khi được hỏi về lý do chọn loại cây này, ông Vũ Khải, Giám đốc HTX cho biết: “Hương nhu được biết đến như một loại thảo dược thiên nhiên từ xa xưa, có nhiều tác dụng như: Trị cảm, khử trùng, tăng sức đề kháng, chăm sóc mái tóc… Hơn nữa cây hương nhu dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện đất đai cằn cỗi và có khả năng giữ nước cho đất”. Ðược biết, chuyên môn của ông Khải là lĩnh vực nông nghiệp. Trước khi phát triển cây hương nhu thành cây có giá trị kinh tế tại đất Tà Lèng, ông Khải đã nghiên cứu, tự tìm tòi học hỏi và trồng thử nghiệm giống cây này ở những mảnh nương bạc màu tại các địa bàn khác nhau.

Từ một loài cây dại, hương nhu được HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng đưa vào nhân giống, chăm sóc trên những quả đồi trước đây trồng cây lương thực. Là mô hình mới nên không khỏi những nghi ngại nên bước đầu chỉ có 4 hộ thành viên tham gia trồng với diện tích hơn 1ha. Sau 3 tháng trồng, cây đang độ sinh trưởng mạnh thì được cắt lá, cành non để làm tinh dầu. Từ gốc cũ, cây hương nhu tiếp tục phát triển thân mới và được thu hoạch định kì 3 tháng/lần. Hiện HTX đang thu mua cho các hộ thành viên với giá 1.500 đồng/kg lá, cành. Trung bình 1ha cây cắt tỉa được 30 - 50 tấn nguyên liệu làm tinh dầu. Hơn 1 năm triển khai, các hộ thành viên đều nhận thấy loài cây này vừa không mất công chăm sóc, lại có thể thu hoạch liên tục nên có giá trị kinh tế hơn nhiều cây trồng truyền thống. Ông Lê Văn Lương, thành viên HTX cho biết: Ðồi nhà tôi rất dốc, cao và cằn cỗi. Tham gia HTX, tôi đăng ký trồng cây hương nhu xen kẽ với cây ăn quả để vừa giữ nước cho cây ăn quả vừa có nguồn thu liên tục, lấy ngắn nuôi dài. Tôi trồng gần 5.000m2 đã cho thu hoạch, năm 2018, thu nhập từ cây hương nhu và tham gia làm tinh dầu của tôi được hơn 30 triệu đồng.

Trong giai đoạn đầu này, HTX hiện sản xuất tinh dầu hương nhu bằng 2 lò thủ công. Trung bình mỗi lần nấu, 1 nồi chứa được hơn 1 tạ lá, cành và có thể đun 2 - 3 mẻ liên tục/ngày. Thành phẩm từ 1 tạ nguyên liệu thu được 0,5 - 0,6kg tinh dầu. Năm 2018, HTX sản xuất được gần 1,5 tạ tinh dầu, sản phẩm đều được Công ty Tinh dầu Việt Nam thu mua. Tại Hội chợ Thương mại quốc tế vùng Tây Bắc tổ chức tại Ðiện Biên mới đây, HTX đã kết nối với Công ty để đưa các sản phẩm từ tinh dầu hương nhu (do HTX làm ra) để giới thiệu, quảng bá. Không chỉ thu tinh dầu xuất bán mà bã thải nấu tinh dầu hương nhu còn có thể làm phân vi sinh chăm bón cây trồng. Hiện HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng còn phát triển mô hình gà đen thả đồi. Cây hương nhu có tác dụng khử trùng, làm tăng sức đề kháng cho gà, sự kết hợp này giúp gà khỏe mạnh hơn, tinh dầu pha loãng cũng giúp vệ sinh chuồng trại chăn nuôi hiệu quả. Nói về hướng phát triển cây hương nhu trong thời gian tới, ông Vũ Khải, Giám đốc HTX cho biết: HTX dự kiến nhân rộng cây hương nhu với quy mô 10ha để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðang có thêm một số hộ dân trên địa bàn xin vào HTX và có đơn vị đặt vấn đề với HTX đầu tư lò công nghiệp sản xuất tinh dầu và tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi đang xem xét, thảo luận. Nếu cây hương nhu được nhân rộng và khẳng định được giá trị kinh tế sẽ giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top