Người giữ hồn chè shan tuyết

10:10 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 14708 In bài viết
ĐBP - Trong khoảng sân nhỏ trông ra cánh đồng lúa, bộ bàn ghế cũ kỹ nằm khiêm tốn bên góc tường rêu phong của căn nhà ngay đầu thị trấn. Một ông già nước da đỏ au, màu tóc như phủ một lớp tuyết dày trầm ngâm bên bộ trà cổ. Trong không khí se lạnh của sáng sớm mùa hè - một kiểu thời tiết đặc trưng vùng cao nguyên đá, ông già từ từ đưa chén trà nóng hổi lên miệng nhâm nhi, đôi mắt lim dim nhìn lên phía ngọn núi. Hương trà shan tuyết nhẹ nhàng hòa quyện với mùi lúa non phảng phất trong một không gian tĩnh lặng. Dân ở đây vẫn thường gọi ông là “Người giữ hồn chè shan tuyết”.

Ðó là ông Nguyễn Trọng Nghiêu, hay còn gọi là “Nghiêu tiền bối”. Vốn ít nói và không thuộc tuýp người thích giao du nên rất khó để tiếp cận. Tôi là người may mắn được “đàm đạo” với ông trong một buổi sáng đẹp trời có lẽ là vì một chữ duyên. Chế biến chè là một nghề công phu, vất vả, phải đam mê và tâm huyết lắm mới theo được. Thế nhưng một công ty non trẻ vừa mới thành lập với tên gọi “Trà Hương Linh” khiến tôi rất tò mò. Ngạc nhiên hơn nữa khi biết thêm giám đốc công ty trà là cô gái Nguyễn Mỹ Linh, một nữ sinh mới đang ở độ tuổi đôi mươi. Khi đi tìm những ẩn số đó tôi đã gặp được “Nghiêu tiền bối”. Ông chính là cha đẻ và cũng là người truyền lửa cho Linh - cô con gái út của ông. 

 

Ông Nguyễn Trọng Nghiêu và con gái Nguyễn Mỹ Linh bên bàn trà.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, năm 1978 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông rời quê hương lên xây dựng vùng Tây Bắc. Ban đầu công tác tại Trường trung cấp Nông nghiệp Lai Châu. Ðến năm 1982, ông được phân công về Trại giống Nông nghiệp của tỉnh đặt tại huyện Tủa Chùa. Ðây là nơi chuyên nghiên cứu, nuôi trồng cây con giống để cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cái duyên giữa ông với cây chè có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Ngay lần đầu tiên được uống chén trà làm từ những búp chè shan tuyết cổ thụ ông đã bị mê mẩn bởi thứ hương vị đặc biệt mà trước đây chưa từng nếm. Kể từ đó, ngoài nhiệm vụ được phân công, ông thường dành phần lớn thời gian còn lại để nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm của trà shan tuyết. Ban đầu chỉ mình uống rồi sau đó mời bạn bè, anh em uống thử để cùng góp ý. Một thời gian sau ông đã chế biến thành công sản phẩm có chất lượng cao để phục vụ những người “sành trà”.

Sau một tuần trà với nhiều hứng khởi cùng người “khách lạ”, ông Nghiêu đã nhớ lại cả một quãng thời gian thăng trầm của cây chè mọc trên “vùng đất khó”. Giống chè cổ thụ ở Tủa Chùa là chè shan, một giống chè quý được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu hàng trăm năm đã tạo nên những hạt tuyết ở búp chè nên gọi là chè shan tuyết. Những năm 80 của thế kỷ trước, với hàng trăm hec ta chè cổ thụ, Tủa Chùa được chọn làm nơi ươm giống để cung cấp cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Ðến những năm 90, các hợp tác xã giải thể nên việc chăm sóc và bảo vệ cây chè không còn được duy trì. Khi đó, để “cứu” vùng nguyên liệu chè, tỉnh đã giao cho một đơn vị quân đội quản lý và bảo vệ khoảng 5ha chè cổ thụ như một cách để “bảo tồn”. Một thời gian sau, giao lại cho Trại Giống nông nghiệp quản lý, bảo vệ và khai thác. Ðến khoảng đầu những năm 2000, nhận thấy giá trị kinh tế của cây chè cần phải được phát huy, tỉnh Lai Châu khi đó đã cho rà soát, kiểm đếm toàn bộ diện tích chè còn lại. Sau đó giao nhiệm vụ cho Công ty Giống nông nghiệp khai thác và sản xuất…

Gần 30 năm công tác trong ngành Nông nghiệp, trong đó 20 năm (1990 - 2010) trên cương vị người đứng đầu Trại Giống nông nghiệp, không có lúc nào ông không trăn trở với cây chè. Ðến khi về hưu, trong đầu ông vẫn luôn nghĩ làm sao để người dân sống được từ cây chè? Làm sao để phát huy giá trị kinh tế từ cây chè shan tuyết - một giống chè đã được nhiều nước như: Ðức, Nhật, Úc… và Trung Quốc đánh giá cao. Trong khi đó đời sống người dân còn nhiều khó khăn vất vả. Mặt khác, ở vùng đất này chỉ có cây chè là thế mạnh, là giống cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Vì vậy, mặc dù không còn gánh vác những công việc của Nhà nước giao nhưng hàng năm ông Nghiêu vẫn theo đuổi đam mê, đi thu mua chè búp của người dân về chế biến và tiếp tục nghiên cứu. Mỗi năm ông cung cấp ra thị trường từ 70kg đến 1 tạ trà khô. 

Nói về kỷ niệm sâu sắc nhất gắn với cây chè, đó là thời điểm ông đã được Nhà nước cho nghỉ hưu và chỉ chờ quyết định. Nhưng ngay trước đó, tỉnh nhận được một đơn hàng từ Chính phủ Nhật Bản và giao cho Trại giống sản xuất 20kg trà shan tuyết. Khi đó, những người thợ có tay nghề tốt nhất đã được chỉ định làm, những búp chè ngon nhất cũng đã được lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi bàn giao cho phía Nhật Bản thì toàn bộ số trà thành phẩm đã bị trả và yêu cầu làm lại. Lần thứ 2 cũng với quy trình sản xuất như vậy nhưng được thực hiện thận trọng hơn, những búp chè được lựa chọn kỹ hơn. Và một lần nữa lại bị trả về mà cho đến giờ vẫn chưa ai biết lý do! Lần thứ 3, một số quan chức thuộc Chính phủ Nhật Bản cùng chuyên gia về chè của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp lên Tủa Chùa để chứng kiến quy trình sản xuất. Lần này ông Nghiêu phải trực tiếp ra tay… Khi quy trình chế biến đã ở vào công đoạn cuối, mọi người đều rất căng thẳng và hồi hộp trước sự chứng kiến của những “khách hàng đặc biệt”. Một chuyên gia ghé tai ông Nghiêu hỏi nhỏ vẻ lo lắng: Sản phẩm trà đã đến công đoạn này rồi mà vẫn chưa thấy hương thơm thì liệu có ổn không? Ông Nghiêu chỉ nhẹ nhàng nói: Cái hương trong búp chè nó chỉ có một lượng nhất định, nếu cho nó tỏa ra hết lúc này thì khi uống sẽ không còn hương nữa! Sau mẻ trà hôm ấy, 20kg trà thành phẩm đã được giao trực tiếp cho quan chức của Chính phủ Nhật Bản trong những nụ cười mãn nguyện.

Trở lại câu chuyện cô con gái của ông thành lập doanh nghiệp khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học. Ông bảo: Có lẽ đó cũng là một chữ duyên. Trong những ngày cuối cùng ngồi trên ghế giảng đường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Mỹ Linh đã đề xuất với gia đình muốn mở công ty trà. Khi đó ông Nghiêu khá bất ngờ và cũng không kém phần lo lắng, dù biết Linh đam mê với cây chè từ nhỏ nhưng theo nghiệp chè khá vất vả, hơn nữa Linh lại là con gái. Mất hơn 1 tháng vừa suy nghĩ vừa thẩm định những kiến thức mà cô con gái tích lũy được trên ghế nhà trường. Cùng với ý tưởng và mục tiêu mà cô quyết tâm theo đuổi, ông Nghiêu đã hoàn toàn bị thuyết phục. Có lẽ cô con gái út được sinh ra là để tiếp tục hoàn thành những tâm nguyện của ông.

Tạm biệt “Nghiêu tiền bối” khi tuần trà đã nhạt. Những câu chuyện như vẫn còn dang dở. Tôi hẹn gặp lại ông trong một ngày gần nhất để tiếp tục được đàm đạo về trà trong những câu chuyện cũ và những điều mới mẻ. Trở lại phố phường náo nhiệt nhưng không gian trầm lắng trong khoảng sân nhỏ như vẫn còn hiện hữu trong tôi. Mùi hương rất quen mà cũng rất riêng vẫn phảng phất trong làn gió núi. Ðó là mùi hương đặc trưng của vùng cao nguyên đá, là thứ tinh túy nhất tỏa ra từ những búp chè non phủ tuyết…

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top