Loay hoay lựa chọn cây trồng chủ lực

10:14 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 11149 In bài viết
ĐBP - Triển khai Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tỉnh ta chú trọng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp dựa vào các loại cây thế mạnh của từng địa bàn. Ðến nay, một số địa phương đã xác định được cây trồng theo vùng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn chính quyền và người dân vẫn đang loay hoay tìm, thử nghiệm và lựa chọn cây trồng chủ lực.

Khoảng 5 năm gần đây, cây dứa được nông dân huyện Mường Chà trồng ồ ạt, diện tích tăng qua từng vụ. Ðến nay, toàn huyện đã có gần 300ha dứa được trồng tập trung tại 3 xã: Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Nhờ cây dứa, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu. Thế nhưng, trong định hướng sản xuất, ngành nông nghiệp huyện Mường Chà không đưa loại cây trồng này vào cơ cấu giống cây trồng hàng năm, cũng không xác định cây dứa là cây trồng chủ lực. Cơ quan quản lý lĩnh vực nông nghiệp huyện Mường Chà lý giải là do lo ngại đầu ra sản phẩm. Bởi hiện nay, cây dứa đang cho lợi nhuận khá, nếu đưa vào cơ cấu và xác định là cây trồng chủ lực thì nông dân sẽ chuyển đổi hết đất trồng ngô, lúa nương sang trồng dứa. Diện tích cây dứa tăng không kiểm soát mà đầu ra không ổn định dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Khi đó, trước là thiệt hại trực tiếp cho người nông dân sau là một số chỉ tiêu phát triển nông nghiệp của huyện sẽ không đạt.

 

Từ năm 2016, huyện Tủa Chùa ngừng chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả, thay vào đó chỉ hỗ trợ 1 - 2 mô hình sản xuất cây dứa ở xã Mường Báng. Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn người dân xã Mường Báng trồng dứa.

Thực tế cho thấy, từ khi xuất hiện đến nay, cây dứa Mường Chà cũng đã trải qua 2 - 3 lần “dứa được mùa nhưng giá chạm đáy”. Ðiển hình như năm 2018, thời điểm cây dứa cho thu hoạch rộ thì thương lái ở Sơn La, Hải Dương ngừng thu mua. Dứa không có nơi tiêu thụ, giá bán lẻ giảm từ 10.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/quả to, từ 5.000 đồng xuống 1.000 đồng/2 quả nhỏ. Dứa chín rộ trên nương nhưng người dân không đi thu hái. Do không có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nên khối lượng dứa bị thối rất lớn, có hộ dân bị hỏng trên 100 tấn dứa. Vụ năm 2018 coi như mất trắng.

Chính quyền địa phương khống chế về quy mô sản xuất, thị trường bấp bênh, tuy nhiên nông dân huyện Mường Chà vẫn xác định lựa chọn trồng dứa để phát triển kinh tế. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang (huyện Mường Chà) cho biết: Ban đầu tổng diện tích cây dứa của hợp tác xã là 61ha. Ðến nay, tổng số thành viên HTX đã lên gần 100 hộ, diện tích trồng dứa đạt gần 200ha. Nhờ tham gia HTX trồng dứa mà nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Na Sang thoát nghèo. Sản phẩm dứa của hợp tác đã được cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn đây là điều kiện hết sức thuận lợi. Vì thế, thời gian tới nếu các hộ dân có nguyện vọng thì HTX sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên và hướng dẫn các hộ sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Hiện nay, HTX đang nỗ lực kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm dứa Na Sang. Anh Lý A Chía, xã Na Sang, huyện Mường Chà cho biết: Năm 2018, trồng dứa có thất bại cũng không thể bỏ nó. Cây dứa khi được, khi mất, nhưng tóm lại là có thu nhập. Thời điểm giá cao, lãi lớn bù lúc giá xuống thấp. Giá dứa bán lẻ chỉ cần ở mức trung bình 5.000 - 7.000 đồng/quả là có lãi.

Người nông dân lựa chọn phát triển cây có lợi nhuận cao là việc diễn ra phổ biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nậm Pồ là huyện mới được thành lập, cây trồng chủ yếu của huyện vẫn là các loại cây truyền thống như: Lúa, ngô. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang thăm dò, tìm hiểu để lựa chọn loại cây trồng chủ lực của huyện. Trong khi đó, người dân đã lựa chọn những loại cây có giá trị cao như: Sa nhân, sả. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, huyện Nậm Pồ chưa có cây trồng chủ lực. Những loại cây như sa nhân, sả đều do người dân chạy theo lợi nhuận trước mắt, trồng tự phát, vấn đề giống, thị trường và đầu ra sản phẩm đều rất bấp bênh.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Mường Nhé lựa chọn phát triển vùng lâm nghiệp với cây chủ đạo là cây keo. Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện nghị quyết trồng rừng, kết quả không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Càng về sau, số hộ đăng ký trồng rừng càng ít. Năm 2016, huyện đề ra kế hoạch trồng 1.800ha rừng keo, chia đều cho 9 xã (mỗi xã 200ha). Kết quả toàn huyện chỉ có 439ha được nghiệm thu, thanh toán. Xã trồng nhiều nhất được 101/200ha, đạt 50% kế hoạch; xã trồng ít nhất được 11,7/200ha, đạt 5,8% kế hoạch. Năm 2017, kế hoạch giao 1.800ha, toàn huyện trồng được 283,34ha (đạt 15,7%). Năm 2018, kế hoạch giao 1.200ha, người dân đăng ký trồng 254,18ha; toàn huyện thực hiện được 181,16ha (đạt 15,1% kế hoạch). Ðến thời điểm này, có thể nói Dự án Trồng rừng sản xuất ở Mường Nhé đã không hiệu quả. Hiện nay, đa phần các hộ dân đều không hào hứng trồng rừng, thay vào đó là góp đất với doanh nghiệp trồng cây mắc ca.

Giai đoạn 2009 - 2016, huyện Tủa Chùa cũng xác định vùng chuyên canh cây ăn quả. Hiện thực hóa điều này, UBND huyện Tủa Chùa đã có nhiều năm liền thực hiện hỗ trợ giống cây ăn quả cho người dân trong vùng quy hoạch. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, giai đoạn 2009 - 2015, huyện hỗ trợ 100.000 cây giống ăn quả cho 992 hộ nghèo thuộc 5 xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng, Huổi Só và thị trấn Tủa Chùa; tổ chức 4 mô hình khuyến nông về trồng cây ăn quả tại 3 xã: Mường Báng, Mường Ðun và Sính Phình. Năm 2016, huyện dự kiến tiếp tục hỗ trợ 12.240 cây giống ăn quả gồm: Cam Vinh, xoài Thái, mít Thái và vải thiều cho 194 hộ nghèo tại 2 xã: Tủa Thàng và Sính Phình. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đánh giá toàn bộ giai đoạn đối với hạng mục hỗ trợ giống cây ăn quả, nhận thấy hiệu quả không cao nên huyện đã tạm dừng việc cấp phát giống. Từ năm 2017 đến nay, huyện Tủa Chùa đã dừng chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top