Xây dựng nông thôn mới ở Mường Mươn

Khi lòng dân đã thuận

09:04 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 11371 In bài viết

ĐBP - Với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã đạt được những kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn dần thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Thành quả ấy đã được ghi nhận khi Mường Mươn được công nhận là xã cơ bản đạt chuẩn NTM.

 

Công an xã Mường Mươn vận động người dân bản Mường Mươn 1 tham gia đảm bảo an ninh trật tự để thực hiện tiêu chí về quốc phòng - an ninh trong xây dựng nông thôn mới.

Tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Là xã vùng cao biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên khi bắt tay xây dựng nông NTM xã Mường Mươn gặp rất nhiều trở ngại, thách thức. Trở ngại lớn nhất là người dân trên địa bàn chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú chiếm hơn 98%) nhận thức hạn chế, tỷ lệ đói nghèo cao trong khi chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng NTM nên còn thơ ơ, đứng ngoài cuộc. Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn chia sẻ: Xác định để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia của toàn dân. Do đó, cùng với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM theo từng giai đoạn; thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM và Ban phát triển bản ở 11/11 bản trên địa bàn, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như lồng ghép với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Vệ sinh môi trường nông thôn gắn với xây dựng NTM”... Ðồng thời, phát động các phong trào thi đua tại các thôn, bản như: Xây dựng gia đình văn hóa, bản làng bản hóa, “nhà sạch, ngõ đẹp”, làm kinh tế giỏi; phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trưởng bản, người có uy tín trong việc tham gia, vận động người dân chung tay xây dựng NTM.

Ðáng chú ý, trong quá trình vận động cán bộ xã đã giúp người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng NTM, những lợi ích to lớn khi xây dựng NTM nên đã chủ động, tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Tùy theo điều kiện, mỗi người dân có thể tham gia đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều cách (góp ngày công, góp đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình, tiền mặt...). Chị Lò Thị Cương, bản Mường Mươn 2 cho biết: Trước đây, do chưa hiểu mục đích của việc xây dựng NTM là mang lại lợi ích chủ yếu cho người dân nên khi nhắc đến việc tham gia đóng góp mình không nhiệt tình lắm. Song nhờ được trưởng bản và cán bộ xã tích cực tuyên truyền, mình và bà con trong bản đã hiểu lợi ích thiết thực của việc xây dựng NTM nên đã đồng tình tham gia. Năm 2014, khi xây dựng đường giao thông vào bản, gia đình mình đã hiến 90m2 đất để làm đường bê tông; ngoài ra còn tham gia tích cực góp ngày công xây dựng, vận động chị em trong bản tham gia quét dọn, thu gom rác thải, giữ vệ sinh môi trường.

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí

Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Mường Mươn đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí sao cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Ðể nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng bản; phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển khai hoang tăng diện tích lúa nước. Nhờ đó bình quân lương thực đầu người đạt gần 320kg/người/năm. Chăn nuôi dần phát triển theo hướng hàng hóa, người dân có ý thức chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng để hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ðặc biệt, công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống đã được xã chú trọng quan tâm với việc thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ tham gia kinh doanh, phát triển dịch vụ trên địa bàn. Hiện toàn xã có gần 30 hộ kinh doanh dịch vụ các loại, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 13 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2015. Nhằm nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã triển khai hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân từ nguồn vốn NTM. Năm 2018, xã đã cấp 7.700 cây bưởi (trồng trên diện tích 15,4ha) cho 48 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên để thực hiện nhóm tiêu chí “hạ tầng cơ sở”, xã đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, huy động nguồn lực trong nhân dân để nỗ lực hoàn thành từng chỉ tiêu trong các tiêu chí. Với nhóm tiêu chí này, xã đã đạt 6/8 tiêu chí, (còn tiêu chí về giao thông và điện chưa đạt). Ðối với nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức chức sản xuất, xã đã đảm bảo số lao động có việc làm và tổ chức sản xuất. Hiện 2 tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, xã sẽ phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào năm 2020. Những tiêu chí còn lại, đến nay Mường Mươn đã hoàn thành và đang tiếp tục duy trì, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, Mường Mươn đã trở thành xã đi đầu trong việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Chà. Xã hiện đạt 15/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM và đã được UBND tỉnh công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM, phấn đấu “cán đích” đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top