Phát triển sản xuất gạo Ðiện Biên theo chuỗi liên kết

09:05 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 10720 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, quan tâm hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất gạo, tạo ra xu hướng mới trong sản xuất. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, củng cố các HTX nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Các doanh nghiệp, HTX ứng dụng máy móc công nghệ cao góp phần quan trọng vào chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên vận hành máy làm mạ trên khay.

Khu vực lòng chảo Mường Thanh gồm có các xã như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Xương… có điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, thích hợp để canh tác cây lúa nước, với sản phẩm gạo chất lượng thơm ngon. Nắm bắt những lợi thế đó, một số công ty, HTX đã liên kết để người dân tự nguyện góp đất hình thành cánh đồng mẫu lớn, tham gia sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết. Dù mới thành lập gần 2 năm, song HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) đã vận động trên 60 hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi an toàn, với diện tích hơn 20ha.

Là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia chuỗi liên kết sản xuất gạo của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé, ông Vũ Tiến Mạnh, đội 11, xã Thanh Hưng tâm sự: “Từ khi tham gia liên kết sản xuất với HTX, gia đình được HTX hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, máy gặt… và được hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, liều lượng và giai đoạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất lúa cao hơn nhiều. Ðến vụ thu hoạch, HTX đến tận ruộng thu mua với giá cả hợp lý, vì vậy gia đình không phải lo nghĩ vấn đề đầu ra và giá cả”.

Ðây là mô hình sản xuất mới, nông dân tham gia cần tuân thủ nghiêm quy trình, kỹ thuật canh tác và ứng dụng kỹ thuật cao nên khi vận động người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé chia sẻ: Vận động người dân tham gia vào HTX gặp khó khăn vì bà con lo ngại giá thành sản phẩm thấp. Hơn nữa là họ đã quen với phương pháp canh tác truyền thống nên giờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ phức tạp. Tuy nhiên, nhờ kiên trì vận động, đến nay HTX đã có hơn 60 thành viên và tổ chức chuyển ghép ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, gia tăng giá trị sản phẩm thu hoạch và thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ chi phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí thuê máy, công phun thuốc, tập huấn cho cán bộ HTX, nông dân và sản phẩm lúa gạo sản xuất ra được ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên nên bà con rất phấn khởi.

Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, không thông qua thương lái nên tránh được tình trạng bị ép giá, giúp tăng lợi nhuận cho HTX và các thành viên; qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên, bảo đảm chất lượng hàng hóa an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Ðồng thời, từng bước giúp các HTX hình thành nên mô hình chuỗi liên kết doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo. Thực tế cho thấy rằng, tuy chuỗi liên kết này có nhiều người dân tham gia nhưng sản xuất luôn đảm bảo theo một quy trình đồng bộ từ xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ; cùng với quy trình quản lý sản xuất thống nhất, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm, có thể thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao mang thương hiệu Ðiện Biên. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, như: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7…

Là một doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên đã liên kết với người dân thu mua lúa và chế biến sản phẩm gạo Ðiện Biên đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên cho biết: Gạo Ðiện Biên nổi tiếng thơm ngon nhưng để nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng lúa gạo ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu chế biến và thị trường tiêu thụ, trước hết phải phát triển cánh đồng mẫu lớn, cần liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) nhằm nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo tính ổn định, bền vững của sản xuất nông nghiệp. Ðể làm được điều đó, hiện nay công ty cùng với người dân ở các xã: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi liên kết. Với diện tích hơn 50ha lúa, công ty đã hướng dẫn bà con canh tác lúa hạn chế thuốc bảo vệ thực vật bằng cách cấy thưa, làm cỏ xục bùn và khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, vi sinh… để mang lại sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn. Ðồng thời, đưa máy móc vào sản xuất để từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, gắn phát triển sản xuất với chế biến nông sản và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Nhờ vậy, hàng năm công ty đã cung cấp cho thị trường Hà Nội và các địa phương hơn 300 tấn gạo, đã tạo chỗ đứng cho gạo Ðiện Biên trên thị trường.

Việc tạo ra được các chuỗi liên kết sản xuất gạo nói riêng và nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung đã góp phần quan trọng vào việc hình thành vùng sản xuất nông sản chất lượng cao. Với sản phẩm gạo sản xuất theo chuỗi liên kết đã và đang khẳng định được thương hiệu, ngày càng có sức cạnh tranh, vươn tới các thị trường rộng lớn, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời mở ra xu hướng sản xuất sạch và phát triển các sản phẩm lợi thế phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top