Sức sống nông thôn mới

09:14 - Thứ Sáu, 28/06/2019 Lượt xem: 10461 In bài viết

ĐBP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn tỉnh ta đã có nhiều đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

 

Ðường nông thôn mới bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng). Ảnh: Phạm Trung

Sức sống mới xã nội biên

Ðến xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) bây giờ dễ dàng nhận thấy sự đổi mới của nông thôn. Người dân không còn phải đi trên đường đất “mưa lầy, nắng bụi”, đầy rẫy “ổ gà”, “ổ voi” như trước. Thay vào đó là những tuyến đường nhựa, đường bê tông từ trung tâm xã đến các bản và đường bê tông nội bản. Vào vụ thu hoạch, ô tô vào tận bản để thu mua nông sản. Làng quê khang trang hơn với nhiều ngôi nhà mới mọc lên, xã không còn nhà tạm, dột nát; trẻ em đến trường đúng độ tuổi; các dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông về đến tận thôn, bản; rác thải được thu gom, xử lý đúng nơi quy định tạo môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Ðặc biệt là người dân đã từng bước đổi mới tư duy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện nay, toàn xã Noong Luống có trên 320ha lúa 2 vụ và 30ha rau màu. Từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn xã Noong Luống chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô sang cây sâm đương quy trên đất bãi cho giá trị kinh tế cao. Cây lúa cho năng suất bình quân 62 tạ/ha. Cây rau màu có thời vụ ngắn, từ 40 - 50 ngày/1 lứa; cứ 1.000m2 rau màu, một hộ dân thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Cây sâm đương quy mỗi năm trồng 1 vụ cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/1.000m2 nhưng chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận cao hơn các loại cây trồng khác. Nhờ đó, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của xã Noong Luống đạt 30,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86%. Sau 7 năm nỗ lực, năm 2018 xã Noong Luống được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh có 18 xã đạt chuẩn và 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt 62,86% so với mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020 toàn tỉnh có 35 xã đạt chuẩn NTM). Số tiêu chí đạt bình quân 8,6 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 12,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 37,08%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 98,7%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80,36%.

Xã biên giới đỡ khó khăn

Thực hiện Ðề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Ðiện Biên, nhằm phát triển phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Ðề án 29 xã biên giới), đến nay, toàn tỉnh đã có 5 xã biên giới đạt chuẩn NTM, gồm: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên); Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) và 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí NTM là: Mường Mươn (huyện Mường Chà) và Sín Thầu (huyện Mường Nhé); 1 xã đạt 10 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 9,1 tiêu chí/xã.

Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa phấn khởi cho biết: Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, nhân dân Chà Nưa đã tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công trị giá gần 2,9 tỷ đồng bê tông hóa 10 tuyến đường nội bản với tổng chiều dài 8,3km tại 7/9 bản; đào đắp 7km đường nội đồng; làm 11 tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng với chiều dài 36km; trồng và chăm sóc 1.200 cây ban dọc quốc lộ 4H đoạn qua địa bàn xã; xây dựng 106 lò đốt rác theo nhóm hộ phù hợp với địa bàn dân cư. Hiện nay 95% hộ gia đình trên địa bàn xã được sử dụng nước sinh hoạt và 86,06% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; các trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 17 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 16%; 7/9 bản đạt bản văn hóa; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh trật tự được giữ vững. Với những kết quả đạt được, ngày 21/2/2019, 100% thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh đã bỏ phiếu nhất trí công nhận xã Chà Nưa đạt chuẩn NTM.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng kết quả thực hiện Ðề án 29 xã biên giới khá khả quan. Ðến nay, ngoài nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM chung được phân bổ, hỗ trợ các xã thực hiện chương trình theo hệ số quy định, Ðề án 29 xã biên giới giai đoạn 2016 - 2018 mới được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương là 48 tỷ đồng (vốn sự nghiệp năm 2017 là 30 tỷ đồng, năm 2018 là 18 tỷ đồng). Với tiến độ hiện nay, kỳ vọng rằng sau khi Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển, nông thôn 29 xã biên giới sẽ có bước chuyển mình rõ nét hơn nữa.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top