Giữ rừng mùa gió Lào

09:51 - Thứ Hai, 01/07/2019 Lượt xem: 11452 In bài viết

ĐBP - Với Ðiện Biên, gió Lào thường bắt đầu thổi từ tháng 2 đến tháng 6 và hoạt động mạnh nhất là vào tháng 4 đến tháng 5. Gió Lào không chỉ làm thời tiết khô hanh, nóng rát, cây cối héo rũ, mà còn là bạn đồng hành của hỏa hoạn vì đúng mùa đốt nương của người dân địa phương. Bởi thế mà gió Lào luôn là nỗi kinh hoàng đối với những người làm công tác giữ rừng.

 

Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra thiệt hại vụ cháy rừng ở bản Nà Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ.

 
Bên ngôi nhà gỗ, mái lợp tấm fibro thấp lè tè ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), già làng Lỳ Xuyến Phù đang lúi húi lôi bó câu liêm ra chái nhà. Ông ngẩng mặt nhìn trời rồi nói bằng cả kinh nghiệm cuộc đời: Kiểu này thì còn nắng hạn lâu lắm, cứ nhìn quầng mặt trời thì biết; gió Lào lại về, phải chuẩn bị chống cháy thôi; gió Lào là bạn của hỏa hoạn, dễ cháy mà khó dập lửa. Mùa này đi rừng mà gặp cháy thì hiểm họa khôn lường. Ông giải thích: Gọi là gió Lào vì làn gió nóng rát này thổi từ bên nước bạn Lào sang, trong một ngày gió thường bắt đầu thổi từ 8 - 9 giờ sáng cho đến tối, mạnh nhất là khoảng gần giữa trưa đến xế chiều, thậm chí có đợt gió thổi suốt cả ngày đêm; loại gió này không chỉ có ở Mường Nhé, mà ở nhiều địa phương trong tỉnh. “Bây giờ rừng Nhà nước đã giao, nhờ được hưởng tiền giữ rừng mà mấy năm nay nhà nào cũng khấm khá hẳn lên, mình là chủ rừng phải bảo vệ rừng chứ!” - Già làng Lỳ Xuyến Phù nói như tự vấn. Nói rồi ông vác bó câu liêm lên nương vận động bà con đề phòng “bà hỏa”.

Những ngày đầu hè, đất trời Mường Nhé nóng hừng hực như lò bánh mì, thời tiết oi bức, có lúc lên tới 39 - 400C, không gian đặc quánh một màu khói  do đốt nương. Ông Nguyễn Ðình Cương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, gạt mồ hôi trán chia sẻ: “Gió mạnh thế này, nói dại, chỉ cần một tàn lửa vô tình rớt không đúng chỗ thì khốn! Kiểm lâm địa bàn có nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng khó nhất vẫn là lo phòng chống cháy rừng mùa gió Lào”.

Theo ông Nguyễn Ðình Cương, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Mường Nhé xảy ra 22 vụ cháy, thiệt hại 23,649ha rừng tự nhiên. Trong đó, riêng xã Leng Su Sìn xảy ra 12 vụ, thiệt hại 4,891ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân các vụ cháy rừng chủ yếu là do người dân đốt nương, hoặc đốt tổ ong lấy mật. Mặc dù đã tuyên truyền đến người dân dưới nhiều hình thức, nhưng với thời tiết khắc nghiệt, cộng với gió Lào nóng rát, khiến việc giữ rừng còn nhiều gian nan.

Với huyện Mường Ảng, chỉ trong vòng 23 ngày (từ 18/4 - 10/5) đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, riêng xã Mường Ðăng đã chiếm tới 3 vụ. Tuy nhiên, do được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên rừng bị thiệt hại ít, có khả năng phục hồi.

Nhớ lại vụ cháy rừng hồi tháng 4 vừa rồi, anh Lý A Páo, Trưởng bản Nặm Pọng, xã Mường Ðăng kể: Giữa lúc 3 giờ chiều, gió Lào ràn rạt thổi, cái nóng hắt vào tận trong nhà chẳng chừa chỗ nào, tôi nhận được điện thoại từ Hạt Kiểm lâm huyện báo (thông qua hệ thống cảnh báo cháy rừng từ vệ tinh) cháy rừng bản Nặm Pọng, thuộc tiểu khu 630, khoảnh 5, lô 1. Ngay lập tức, tôi đánh kẻng triệu tập bà con, dân quân tự vệ tập trung đi cứu rừng; cán bộ kiểm lâm, lực lượng công an, bộ đội, người dân các xã lân cận cũng có mặt để dập lửa. “Ðã là cháy rừng thì lấy đâu ra nước mà phun mà xịt, chỉ có dùng câu liêm, dao, rựa, phát dọn đường băng để cản lửa, sau đó thì mới dùng gậy, cành cây dập từng ngọn lửa thôi. Ngót 300 người quần quật trong 3 ngày đêm mới cứu được rừng. Ðúng là nhất thủy nhì hỏa.” - Anh Lý A Páo bày tỏ.

Rời bàn máy tính với nét mặt nhẹ nhõm, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng thở phào: “Từ sáng đến giờ an toàn”. So với trước đây thì việc quản lý rừng có thuận lợi hơn, không còn phải ngày đêm đi tuần tra trên rừng nữa, bởi thông qua hệ thống cảnh báo cháy rừng từ vệ tinh, có thể biết chính xác khu vực cháy để có biện pháp kịp thời. Tuy nhiên, vào mùa gió Lào này, kể cả buổi tối nếu không có việc thật sự cần thiết thì anh hầu như không dám rời bàn máy tính và điện thoại, vì cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ðôi khi cũng dở khóc dở cười, vì ảnh vệ tinh chỉ cung cấp thông tin nghi vấn, nhiều khi lực lượng hộc tốc lao đến nơi nhưng đó chỉ là đám rác bà con đốt trên nương, làm vệ sinh vườn tược. Mệt, nhưng lại vui vì không phải cháy rừng...

Rời Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng vào đầu buổi chiều, những cơn gió Lào mặc sức tung hoành khi cái nóng trong ngày đang lên tới đỉnh điểm. Biển báo nguy hiểm cháy rừng trước cửa Hạt Kiểm lâm huyện đang chỉ cấp độ 4. Tôi chợt nhớ lời tâm sự của già làng Lý A Tủa, bản Pơ Mu, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng): “Bây giờ mới thấy cán bộ kiểm lâm nói đúng. Rừng đã giao cho dân, cho bản, phải tự giữ lấy thôi. Nếu cháy rừng thì dân mình là người thiệt thòi trước mà!”.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top