Tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp bền vững

08:48 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 10599 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 3 năm triển khai Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (gọi tắt là Ðề án), ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã có những bước tiến đáng kể: Kinh tế nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nông dân từng bước được nâng cao.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGap.

Phát triển vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp

Triển khai thực hiện Ðề án, tỉnh ta chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp dựa vào các loại cây thế mạnh của từng địa bàn. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, đề xuất chính sách thắt chặt liên kết “4 nhà” trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường. Ðến nay, một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp dần hình thành rõ, khẳng định giá trị, như: Lúa chất lượng cao (huyện Ðiện Biên); cà phê (huyện Mường Ảng); ngô, đậu tương (huyện Tuần Giáo); chè san tuyết (huyện Tủa Chùa)…

Với hơn 5.000ha lúa sản xuất 2 vụ/năm, huyện Ðiện Biên là vựa lúa lớn nhất tỉnh. Khi đất sản xuất không thể mở rộng hơn, huyện Ðiện Biên chú trọng thử nghiệm các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao; đổi mới quy trình sản xuất; đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Ðồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo Ðiện Biên trên thị trường. Từ vụ mùa năm 2018, huyện Ðiện Biên đã triển khai ứng dụng máy cấy tại khu vực lòng chảo Mường Thanh. Phương pháp này giúp giảm chi phí về giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và đặc biệt là khắc phục cơ bản tình trạng lúa lẫn do gieo vãi. Phương pháp này giúp nông dân tiết kiệm khoảng 10,5 triệu đồng chi phí sản xuất/ha lúa. Ðến nay, mô hình sử dụng máy cấy đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Ðiện Biên và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Thực hiện Ðề án, huyện Ðiện Biên tập trung phát triển vùng chuyên canh đối với sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Ðến nay, huyện có 2 dự án cánh đồng mẫu lớn ở 2 xã: Thanh Hưng và Thanh Yên do 2 hợp tác xã liên kết sản xuất với nông dân, tổng quy mô dự án 92ha. Sản phẩm gạo Ðiện Biên đã được cấp chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký mã quét truy xuất nguồn gốc (QR). Hiệu quả là giá trị mỗi héc ta lúa chất lượng cao tăng 8,5 triệu đồng/ha so với năm 2015. Dự kiến, vụ mùa năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Ðiện Biên hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Xương triển khai thí điểm sản xuất cánh đồng 1 giống lúa, cùng 1 quy trình sản xuất và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với quy mô 8,5ha.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp

Cơ cấu nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên… có phần đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp. Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 18 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó một số doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất rau an toàn, nuôi lợn sinh học, trồng cây ăn quả… như: Các dự án trồng rau an toàn và sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ðiện Biên; dự án nuôi cá nước lạnh tại huyện Tuần Giáo; dự án chuỗi liên kết cung ứng cà phê theo tiêu chuẩn an toàn và vùng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ tại Mường Ảng; sản xuất và chế biến chè ở Tủa Chùa; các dự án trồng cây mắc ca…

Gần đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao, kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao (huyện Mường Ảng). Mục tiêu là trồng các loại cây ăn quả (cam cara ruột đỏ, bưởi da xanh, quýt Ðài Loan) theo quy trình VietGAP, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có bù áp của Israel để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trồng rừng sản xuất tại các vị trí không trồng được cây ăn quả trong vùng dự án để tận dụng tài nguyên đất. Quy mô dự án gồm: trên 217,5ha trồng cây ăn quả công nghệ cao và 50ha trồng rừng sản xuất, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Dự ước sản lượng của dự án đạt 1.000 tấn quả thành phẩm trong năm đầu thu hoạch, 2.000 tấn quả/năm trong những năm tiếp theo. Ðến nay, Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đã triển khai trồng được khoảng 40ha cây ăn quả tại địa bàn 3 bản: Huổi Cắm, Pá Sáng, Hồng Sọt (xã Búng Lao).

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai Ðề án, kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản phẩm (GRDP) lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 3.145,5 tỷ đồng, tăng 2.498 tỷ đồng so với năm 2004. Tốc độ tăng GRDP bình quân trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2004 - 2018 đạt 4,26%. Cơ cấu ngành nông nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2018 giảm 17,44% so với năm 2004 nhưng giá trị sản xuất tăng 3.396,27 tỷ đồng so với năm 2004.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top