Tăng khả năng ứng phó của nền kinh tế

09:01 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 10015 In bài viết

Sáu tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức tăng trưởng khá 6,76%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong ba năm gần đây, xuất khẩu tạo dấu ấn quan trọng,… Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cũng đối diện với nhiều thách thức, tác động không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng 6,8% của cả năm.

 

Công nhân Công ty TNHH Vitto-VP (Vitto Group), Khu Công nghiệp Tam Dương 2 (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đóng gói gạch ốp lát xuất khẩu. Ảnh: Khánh An

Điểm sáng thủy sản và xuất khẩu

Theo Tổng cục Thống kê, GDP sáu tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của sáu tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của sáu tháng các năm từ 2011 đến 2017. “Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng” - Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Trong bức tranh kinh tế sáu tháng qua, đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng đạt 11,18%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn so với cùng giai đoạn của các năm 2012 - 2017. Ngành khai khoáng cũng đã có mức tăng trở lại 1,78% sau ba năm giảm liên tục (do khai thác dầu thô có mức giảm thấp hơn cùng kỳ năm trước và khai thác than, quặng kim loại đều tăng cao). Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nửa đầu năm nhìn chung ổn định. Do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng,… cho nên ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, điểm sáng của khu vực này lại đến từ ngành thủy sản với mức tăng trưởng 6,45%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của sáu tháng đầu năm trong chín năm trở lại đây, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm ước tính đạt 245,5 tỷ USD, mức cao nhất của sáu tháng từ trước đến nay. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có tín hiệu tốt khi lần đầu đạt mức hơn hai tỷ USD. Ước tính nhập siêu sáu tháng đầu năm ở mức thấp với 34 triệu USD (bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.

Ngoài ra, cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) cũng tiếp tục khả quan. Theo đó, cả nước có gần 67 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là hơn 860 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số DN và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2018. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20-6 đạt kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 7,4 tỷ USD…

Chủ động ứng phó trước các diễn biến mới

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng ơ-rô cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến. Các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Các điểm nóng địa - chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Mỹ tăng cường trừng phạt I-ran, giá dầu và USD diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi ngày càng lan rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp...

Trong bối cảnh đó, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,8% của Việt Nam trong năm 2019 là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cũng như thách thức đối với sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu tăng chậm lại; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu ở mức thấp. Tuy có mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm, nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ khó tăng cao trong sáu tháng cuối năm 2019 bởi khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cùng giai đoạn 2018. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực không còn duy trì đà tăng như trước. Bên cạnh đó, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường…

Phó Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Võ Hữu Hiển đồng quan điểm khi cho biết, những thách thức từ bên ngoài mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải sẽ khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang cũng sẽ tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, như việc chuyển hướng chính sách xuất nhập khẩu, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam cùng những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các dòng vốn đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đó là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. “Nhưng cơ hội cũng luôn đi kèm với thách thức. Theo đó, nếu Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của châu Âu thì sẽ tận dụng được cơ hội; song, nếu không đáp ứng được thì lại là thách thức. Không có cách nào khác, DN phải đổi mới cách quản lý, đầu tư công nghệ và vốn” - Phó Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhận định.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II-2019 cho thấy, 45,2% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 16,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III-2019, 52% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,4% số DN dự báo khó khăn hơn và 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top