Tái đàn lợn sau dịch cần thận trọng, chắc chắn

09:18 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 12519 In bài viết
ĐBP - Tính đến thời điểm này, số lợn bị chết và tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh là hơn 9.100 con với tổng trọng lượng gần 400 tấn. Không chỉ thiệt hại lớn do lợn bị tiêu hủy, người chăn nuôi hiện nay đang đứng trước nỗi lo về tái đàn, khôi phục chăn nuôi. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong điều kiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác, không nên nôn nóng tái đàn lợn bởi sẽ khó kiểm soát về dịch bệnh.

 

Ông Trần Ngọc Chờ, đội 25, xã Noong Hẹt chăm sóc đàn lợn sau dịch bệnh.

Dù trên địa bàn xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) đã qua 30 ngày không xuất hiện dịch bệnh nhưng việc tái đàn vẫn là nỗi lo ngại đối với người chăn nuôi. Gia đình ông Tòng Văn Sinh, đội 15, xã Noong Hẹt là hộ đầu tiên trên địa bàn huyện phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Ðứng bên dãy chuồng lợn trống không của gia đình, ông Sinh chia sẻ: Mặc dù đàn lợn của gia đình đã bị tiêu hủy cách đây hơn 2 tháng nhưng đến giờ tôi vẫn chưa dám tái đàn. Gia đình tôi đã bàn bạc chuyển hướng sang chăn nuôi con vật khác nhưng phải cải tạo lại chuồng trại. Nhưng khó khăn hiện nay là gia đình đã cạn vốn vì đầu tư cho đàn lợn trước rồi!

Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình ông Trần Ngọc Chờ, đội 25, xã Noong Hẹt phải tiêu hủy hơn 1,3 tấn lợn. Tuy nhiên, khác với ông Sinh, sau gần 3 tháng trên địa bàn xã không xuất hiện thêm hộ nào có lợn mắc dịch thì ông Chờ đã chủ động cải tạo chuồng trại và tái đàn lợn với tổng số trên 20 con. Ông Chờ cho biết: Sau khi tiêu hủy lợn dịch, số vốn liếng còn lại tôi cải tạo lại chuồng trại. Trên nền chuồng cũ, tôi rắc vôi khử trùng, phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Cải tạo chuồng xong tôi bắt hơn 20 con lợn về nuôi tiếp. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào chăn nuôi mà để chuồng trống thì sốt ruột lắm. Khi mua lợn giống, theo sự hướng dân của cán bộ thú y xã, tôi chọn mua giống ở những địa chỉ tin cậy, uy tín.

Là xã đầu tiên của huyện Ðiện Biên phát hiện ổ dịch, song đến nay nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh nên ngoài 3 hộ có dịch ban đầu, xã Noong Hẹt không xuất hiện thêm ổ dịch nào.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, phòng dịch, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn đều được phổ biến, hướng dẫn về các dấu hiệu, cách phát hiện, phương pháp vệ sinh chuồng trại để chống dịch. Nhờ vậy, dịch bệnh được kiểm soát và không lây lan ra diện rộng. Ðiều vui mừng là hiện nay trên địa bàn xã đã qua 30 ngày nhưng không phát sinh trường hợp lợn bị tiêu hủy. Ðây là một trong những điều kiện để công bố hết dịch. Xã chỉ có 3 hộ có dịch nên không ảnh hưởng nhiều đến chăn nuôi chung trên địa bàn. Ðối với việc khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh, xã khuyến cáo những hộ nào không có lợn mắc dịch tiếp tục duy trì sản xuất, thực hiện tốt việc phòng ngừa trên đàn vật nuôi; đối với những hộ trước đó có lợn bệnh, phải tiêu hủy thì chưa vội tái đàn và tạm thời chuyển sang nuôi loại vật nuôi khác.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và có 8 xã đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc dịch. Ðây là điều kiện quan trọng để tổ chức lại chăn nuôi lợn. Nhưng người chăn nuôi vẫn cần tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời duy trì chăm sóc tốt đàn lợn không bị dịch bệnh. Ðối với gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê và gia cầm, người dân tập trung chăm sóc, vỗ béo để tăng nguồn cung ra thị trường. Khi đảm bảo điều kiện công bố hết dịch trên địa bàn, cơ quan chức năng sẽ có thông báo, hướng dẫn các hộ nuôi lợn tái đàn, khôi phục chăn nuôi. Ðể chuẩn bị điều kiện để tái đàn, người nuôi lợn  phải lưu ý đảm bảo việc áp dụng quy trình an toàn sinh học; không tái đàn ồ ạt mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ, sau đó khi ổn định thì mới tăng quy mô lớn hơn. Bởi ở các vùng đã công bố hết dịch, nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành và vẫn có nguy cơ tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Người chăn nuôi cũng cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc tái đàn vật nuôi; kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định, tránh những thiệt hại do chủ quan, nóng vội.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top