Cần tích hợp các chính sách giảm nghèo vùng DTTS

09:25 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 9656 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, dân tộc thiểu số (DTTS) đang được thụ hưởng rất nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên qua rà soát, nhiều chính sách vẫn còn chồng chéo, thiếu tập trung, mức hỗ trợ thấp… nên chưa hiệu quả.

Tính riêng trong giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách Trung ương, địa phương đã bố trí hàng nghìn tỷ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong lĩnh vực giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn được bố trí thực hiện hơn 2.052 tỷ đồng; lĩnh vực xây dựng nông thôn mới gần 491 tỷ đồng; giáo dục và đào tạo hơn 875,2 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hơn 1.173 tỷ đồng... Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân mà hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào vùng DTTS vẫn như “muối bỏ biển”. Trong đó, có nguyên nhân bà con chủ yếu sinh sống ở vùng khó khăn, thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng kinh tế -xã hội, trình độ nhận thức còn hạn chế. Song, còn nguyên nhân nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS đang bị phân tán, thiếu tập trung.

 

Người DTTS bản Nà Sản B, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) chăm sóc trâu, bò được hỗ trợ.

Ðiển hình, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo quyết định 102/2009/QÐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (chính sách này đã hết hiệu lực từ 1/1/2019). Mục tiêu chính sách rất nhân văn, nhằm hỗ trợ đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH ở vùng khó khăn và hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa, thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh được phân bổ hơn 108 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1,1 triệu lượt người 4.291 tấn muối i ốt, bột canh; hơn 2.206 tấn giống cây trồng. Song do các hộ nghèo phần lớn tập trung ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển cao; giá cước vận chuyển chậm được ban hành và chưa sát với thực tiễn; việc thống kê lập danh sách hộ nghèo của các xã thực hiện chậm, chưa chính xác nên ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp, phê duyệt đối tượng được thụ hưởng. Ðặc biệt, định mức hỗ trợ rất thấp, chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng/người/năm (tùy thuộc xã khu vực II, III), chưa thật sự giúp các hộ nghèo thoát nghèo. Người dân vùng sâu, vùng xa đến trung tâm xã hoặc trung tâm huyện để nhận 100 nghìn đồng hỗ trợ có khi mất cả ngày, nên tiền hỗ trợ cũng vừa chi phí xăng xe, ăn uống.

Ví dụ điển hình khác là trên cùng một diện tích đất sản xuất, người dân được hỗ trợ từ nhiều chính sách chồng chéo như: Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh theo quyết định 11/2010/QÐ-UBND ngày 30/7/2010 của UBND tỉnh; chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/CP; chương trình 135/CP… dẫn tới tình trạng một số ít hộ dân không sử dụng hết giống do diện tích đất canh tác ít; hoặc người dân dùng tiền hỗ trợ tự đi mua giống khác để gieo trồng…

Tại cuộc giám sát của HÐND tỉnh trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông về việc thực hiện chính sách dân tộc, ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông cho rằng: Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là DTTS đang được hưởng rất nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến hiệu quả không cao. Ðiển hình, một hộ nghèo DTTS một năm được hỗ trợ 100 nghìn tiền hỗ trợ trực tiếp theo quyết định 102; tiền điện khoảng 50 nghìn đồng/tháng; hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/lao động chuyển đổi nghề theo quyết định 755/QÐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ… Nhiều nội dung hỗ trợ nhưng nhỏ lẻ, dẫn đến không hiệu quả; thậm chí tạo nên tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ðể chính sách dân tộc có hiệu quả cần tích hợp lại thành chính sách lớn, để nguồn lực hỗ trợ được tập trung, có trọng điểm.

Năm 2014, toàn tỉnh có 89.490 hộ DTTS, trong đó hộ nghèo chiếm 41,15% và chiếm 89,03% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo cũ), đến năm 2018, tổng số hộ DTTS là 92.665 hộ, số hộ nghèo chiếm 60,8%  và chiếm 98,48% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo mới). Thiết nghĩ, để công tác xóa đói giảm nghèo vùng DTTS đạt hiệu quả, bên cạnh khuyến khích ý chí vươn lên của người dân thì việc xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả là rất cần thiết.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top