Pá Mỳ chú trọng phát triển chăn nuôi

09:34 - Thứ Tư, 03/07/2019 Lượt xem: 10187 In bài viết
ĐBP - Là xã vùng cao, khó khăn bậc nhất của huyện Mường Nhé, những năm qua để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ngoài huy động nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh; từ lợi thế địa hình rộng, nhiều bãi chăn thả, cấp ủy, chính quyền xã Pá Mỳ đã chú trọng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa…

Ðến thăm trang trại của gia đình ông Lầu A Cú, bản Pá Mỳ 2 - một trong những hộ điển hình thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ðặc biệt những năm gần đây, gia đình ông Cú đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi. Sau nhiều năm cần cù, chịu khó đến nay gia đình ông nuôi gần 20 con trâu, bò; 30 con lợn, hàng trăm con gia cầm các loại, thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Ông Lầu A Cú chia sẻ: Nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao, do vậy để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu, gia đình tôi đã vay vốn ngân hàng mua thêm trâu, bò về nuôi. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, phòng trừ bệnh nên vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt; chỉ xuất bán đàn vật nuôi khi đã đủ tuổi. Cùng với đó, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng cỏ voi, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Giàng A Chống, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ cho biết: Là xã có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (gần 90%). Do vậy để tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, thông qua nguồn hỗ trợ của Trung ương và địa phương, như: Chương trình 30a; 135, xây dựng nông thôn mới… cấp ủy Ðảng, chính quyền xã đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ bà con con giống; đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn vật nuôi toàn xã ước gần 7.000 con (trong đó, hơn 800 con trâu, bò; 1.600 con lợn).

Ðể đảm bảo đàn vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển ổn định, hàng năm xã chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các bản tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ; vận động, tuyên truyền người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ (6 tháng đầu năm, thú y xã đã tiến hành phun 38 lít hóa chất tiêu độc khử trùng tại 5 điểm bản). Ðặc biệt, khâu cung ứng con giống luôn được xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn quan tâm từ việc lựa chọn xuất xứ để đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Nâng cao nguồn thu nhập, xã vận động người dân chỉ xuất bán gia súc, gia cầm khi đến tuổi, không nuôi lưu đàn lâu để giảm thiệt hại do giá rét, dịch bệnh, từng bước phát triển chăn nuôi hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ các tiểu thương ra vào xã thu mua gia súc, gia cầm.

Ðối với hình thức nuôi nhốt, để giảm công lao động và chủ động nguồn thức ăn, xã tuyên truyền bà con tích trữ rơm sau vụ gặt, quy hoạch bãi chăn thả hợp lý. Ðặc biệt, người dân đã biết tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, khô cằn để cải tạo trồng gần 12ha cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Nhờ thay đổi nếp nghĩ, áp dụng nhiều cách làm hay trong phát triển chăn nuôi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Pá Mỳ không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc; dự kiến tỷ lệ tăng đàn duy trì từ 3 - 4%/năm, cao hơn so với chăn nuôi thả rông. Việc phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt giúp bà con theo dõi sự phát triển của đàn, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế sự lây lan nếu có dịch bệnh xảy ra; nhất là tránh được tình trạng gia súc phá hoại mùa màng.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự cần cù, đổi thay nếp nghĩ cách làm trong phát triển chăn nuôi của nhân dân Pá Mỳ đã và đang tạo hướng đi mới, mang lại những bước tiến khả quan trên hành trình xoá đói giảm nghèo. Từ đó, góp phần cùng cấp ủy Ðảng, chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top