“Nhà máy sinh học” cho nông nghiệp

09:10 - Thứ Năm, 04/07/2019 Lượt xem: 12141 In bài viết
ĐBP - Là người đam mê, am hiểu về nhiều loài cây trồng, chị Nguyễn Lan Hương chủ một trang trại trồng cây ăn quả tại xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đưa cỏ vetiver ứng dụng trong nông nghiệp. Vetiver không phải là loại cỏ dại đơn thuần, bộ rễ của chúng còn được ví như một “nhà máy sinh học”, có tác dụng làm sạch môi trường nước, đất, chống xói mòn rất hữu hiệu.

Ứng dụng cỏ vetiver

Cùng chúng tôi đi thăm vườn cam lòng đỏ đang chờ ngày thu hoạch, chị Nguyễn Lan Hương say sưa nói về loại cỏ đã thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp của mình. Ðất ở đây dốc, dễ bị xói mòn. Trước đây, các loại cây như: Cam lòng đỏ, bưởi da xanh, đu đủ ruột đỏ không phát triển, hay bị chết, chất lượng quả cũng không cao. Ấy vậy mà từ khi chị mạnh dạn mua hơn 20.000 bầu cỏ vetiver với giá 3.000 đồng/bầu về trồng thử nghiệm xung quanh các gốc cây ăn quả và dọc đường băng đã tạo thành “bức tường rào” hữu hiệu chống xói mòn đất. Nhờ đó, sản phẩm trái cây của gia đình chị tiêu thụ rất tốt nhờ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn so với mặt bằng chung từ 20 - 30% nhưng sản phẩm của gia đình vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

 

Cỏ vetiver được trồng tại trang trại chị Nguyễn Lan Hương.

Cầm nhánh cỏ trên tay, chị Hương giới thiệu: Vetiver là một loại thực vật có bộ rễ rất phát triển, mọc rất nhanh và ăn rất sâu, bám chắc vào đất. Loài cỏ này có đặc tính chịu hạn và chịu nước rất tốt, đặc biệt là có thể sống và sinh trưởng được trong vùng ngập nước có mức độ ô nhiễm cao. Bộ rễ lớn và dài, có thể ăn sâu vào lòng đất tới 3,6m. Ðây chính là điều kiện tốt cho sự phát triển và sinh trưởng của các loài vi khuẩn và nấm, giúp cho quá trình phân hủy và hấp thụ các chất hữu cơ, nitơ, phốt pho, kim loại nặng... hữu ích cho cây trồng. Thân cỏ vetiver mọc thẳng đứng, rất cứng, có thể đạt tới 3m chiều cao, nếu trồng dày thì chúng tạo thành “hàng rào sống”, kín nhưng vẫn thoáng, khiến nước chảy chậm lại và hoạt động như một màng lọc, giữ lại bùn đất.

Cỏ vetiver có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích như: chống sạt lở các công trình giao thông, xây dựng; giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng... đặc biệt là được sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm đất, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường. Bởi vậy, ứng dụng cỏ vetiver trong nông nghiệp của chị Nguyễn Lan Hương được xem là một phương pháp mới, rất thiết thực và có triển vọng trên địa bàn tỉnh. Theo lý giải của chị Hương, việc chọn cỏ vetiver xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết loại cỏ này đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương bởi với đặc thù là tỉnh miền núi, nhiều diện tích đất canh tác trên đất dốc, bạc màu. Cỏ vetiver từ lâu còn được biết đến là loài thực vật có nhiều đặc tính ưu việt trong xử lý môi trường ô nhiễm, được nhiều nước trên thế giới cũng như một số địa phương trong nước chọn dùng. Sau hơn một năm trồng thử nghiệm cỏ vetiver tại chính trang trại của gia đình, cỏ vetiver có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng với mức độ cao. Nói đến công dụng của cỏ vetiver chị Hương khẳng định nếu ứng dụng loài cỏ này để xử lý nước thải ô nhiễm, chống xói mòn đất sẽ rất khả thi.

Cần nhân rộng mô hình

Ðược biết, vetiver dù được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1999, 2000 song chủ yếu được trồng để lấy tinh dầu. Gần đây, loài cỏ này đã được nghiên cứu, thử nghiệm và trồng ở nhiều nơi với mục đích khác nhau như: Làm sạch nước trong đầm hồ chăn nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long, xử lý nước thải Nhà máy giấy ở Bắc Ninh, xử lý nước thải nhà máy Phân đạm Hà Bắc... Tuy nhiên, cỏ vetiver cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, dù rằng đây là giải pháp xử lý ô nhiễm đơn giản, hiệu quả và không tốn nhiều kinh phí.

Bà Lò Thị Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù có nhiều loại cỏ, cây được thử nghiệm làm biện pháp chống xói mòn nhưng chưa có loại cây cỏ nào chịu được điều kiện khó khăn, có tính đa dạng như cỏ vetiver. Cỏ vetiver còn được gọi là cỏ hương bài hoặc cỏ hương lau. Ðây là giống cỏ ngoại nhập đã được nhân, trồng tại nhiều địa phương từ hàng chục năm nay. Ở Thừa Thiên Huế, một số làng nghề đã đưa giống cỏ này vào trồng thử nghiệm bằng cách kết bè trồng thủy canh hoặc trồng trực tiếp trong đất để xử lý nguồn nước thải ô nhiễm. Tại một số đoạn dọc bờ sông Hương, một số đơn vị đã trồng loài cỏ này để chống sạt lở bờ sông...

Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà cỏ vetiver mang lại, điều mà chị Hương cũng như chị Lò Thị Ngân còn trăn trở là loại cỏ đa năng này vẫn chưa đến được tay người cần sử dụng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa có định hướng nghiên cứu hay phát triển loại cỏ này trên địa bàn tỉnh. Biết được tác dụng của nó, cá nhân chị Hương mới chỉ lập Nhóm Cây xanh Ðiện Biên - Hà Nội để đưa cỏ vetiver thử nghiệm tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) và nhân giống tại một vườn ươm tại phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Hy vọng trong thời gian tới, cỏ vetiver sẽ được đơn vị chuyên môn quan tâm, nghiên cứu nhận rộng để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top